Được thiết lập năm 1973, quan hệ giữa Việt Nam và Anh phát triển mạnh mẽ. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao sang thăm lẫn nhau.

Tháng 3/2008, lãnh đạo hai nước đã ra Tuyên bố chung khẳng định thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả và ổn định theo hướng “Quan hệ Đối tác vì Sự phát triển."

Trải qua chiều dài lịch sử, đặc biệt kể từ khi hai nước quyết định nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược vào năm 2010, quan hệ Việt Nam-Anh đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Hợp tác thương mại-đầu tư là điểm sáng và cũng là trụ cột ưu tiên trong quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Anh. Vương quốc Anh hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 tại thị trường châu Âu, thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 của Việt Nam và là nhà đầu tư quan trọng của châu Âu tại Việt Nam.

minhhoa.png

Trong giai đoạn từ 2010-2018, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương Việt-Anh tăng trung bình 17,8%/năm, cao hơn mức trung bình chung của Việt Nam 10%/năm, trong đó Việt Nam liên tục xuất siêu.

Việc ký Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam với Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) vào cuối năm 2020 đã giúp kim ngạch thương mại giữa hai nước tăng gần 11% từ năm 2020 đến năm 2021. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh năm 2022 đạt 6,83 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm 2021 và tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh năm 2022 đạt 6,06 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu lợi thế của Việt Nam sang Anh bao gồm thủy hải sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép, thiếc, máy vi tính, điện thoại và linh kiện điện tử…; các sản phẩm nhập khẩu chính từ Anh là máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, dược phẩm, hóa chất…

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh năm 2022 đạt 6,83 tỷ USD, tăng 3,4% so với năm 2021 và tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh năm 2022 đạt 6,06 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021.

Hợp tác đầu tư đạt được tăng trưởng ấn tượng. Tính đến hết tháng 4/2023, Anh có 519 dự án còn hiệu lực đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký đạt khoảng 4,2 tỷ USD, đứng thứ 15/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Các dự án đầu tư của Anh có quy mô vừa và nhỏ, tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; lĩnh vực kinh doanh bất động sản; lĩnh vực khai khoáng; bán buôn bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô; dịch vụ lưu trú và ăn uống...

Về hợp tác phát triển, Anh là một trong những nhà tài trợ hàng đầu của Việt Nam (50 triệu bảng Anh/năm cho giai đoạn 2006-2010), đã hoàn thành Thỏa thuận về Đối tác Phát triển (ADP) 10 năm với Việt Nam giai đoạn 2006-2015.

Mặc dù từ năm 2016, Anh dừng cung cấp viện trợ phát triển ODA nhưng Anh vẫn duy trì hỗ trợ cho Việt Nam qua các quỹ phát triển như Quỹ Thịnh vượng, Quỹ Newton, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển công nghệ, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tăng cường quản trị công, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng trưởng xanh, năng lượng tái tạo...

Việt Dũng và nhóm PV, BTV