- Việt Nam và Nhật Bản khẳng định tự do hàng hải, giao thương không bị cản trở, và tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.


Tại Tokyo chiều nay (31/10), nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ra Tuyên bố chung về triển khai hành động trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Tuyên bố chung đã đề cập 7 lĩnh vực hai nước sẽ tăng cường hợp tác sâu sắc trong thời gian tới.

Thỏa thuận về hạt nhân và đất hiếm

Năng lượng là một lĩnh vực hợp tác ưu tiên được nhấn mạnh trong Tuyên bố chung về triển khai hành động trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ

Trong Tuyên bố, phía Nhật Bản cam kết tăng cường an toàn hạt nhân thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và những bài học vừa qua liên quan tới sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi với sự minh bạch cao nhất và giải trình kế hoạch từng bước để nâng cao an toàn hạt nhân.

‘‘Việt Nam đã giải thích rõ sự cần thiết của năng lượng hạt nhân nhằm đảm bảo việc cung cấp năng lượng ở Việt Nam và bày tỏ nguyện vọng mạnh mẽ đối với việc Nhật Bản cung cấp công nghệ hạt nhân‘‘ - theo Tuyên bố chung.

Phía Nhật Bản bày tỏ ý định cung cấp cho Việt Nam những công nghệ đảm bảo mức an toàn hạt nhân cao nhất trên thế giới.

Nhật Bản đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Hiệp định song phương về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Việt Nam bày tỏ hy vọng hiệp định này sẽ sớm được phê chuẩn tại Nhật Bản sau khi hoàn tất những thủ tục nội bộ cần thiết.

Hai bên nhắc lại quyết định của Chính phủ Việt Nam trong việc chọn Nhật Bản là đối tác hợp tác để xây hai lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân số 2 ở Ninh Thuận, Việt Nam.

Tháng 10 năm ngoái, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Naoto Kan, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác trong phát triển công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam.

Tuyên bố chung tại Tokyo đã nhắc lại vấn đề này, thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực điều tra, thăm dò, khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam. Hai bên hoan nghênh sự hợp tác trong dự án đầu tiên về đất hiếm sẽ bắt đầu tại Đông Pao, tỉnh Lai Châu, dự kiến được thực hiện ngay sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

ODA

Với trọng tâm thảo luận là hợp tác kinh tế, Tuyên bố chung đã đề cập đến hàng loạt dự án cụ thể với tầm nhìn hành động.

Với dự án sân bay quốc tế Long Thành thông qua mô hình đối tác công tư (PPP), hai bên nhất trí cho phép sự tham gia của một tổ hợp các công ty Việt Nam và Nhật Bản, và Chính phủ Việt Nam sẽ tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các công ty Nhật Bản. Hai bên cũng nghiêm túc xem xét việc tiếp tục nghiên cứu dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 5) bởi một tổ hợp công ty Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản cam kết tiếp tục xem xét hỗ trợ các dự án đường cao tốc đoạn Ninh Bình - Bãi Vọt, Nha Trang - Phan Thiết, và các dự án tuyến đường tàu điện ngầm mới của Hà Nội và TP.HCM, cũng như cam kết của Nhật Bản hỗ trợ cho các lĩnh vực ưu tiên như xây dựng thể chế và năng lực, sử dụng chuyên môn và công nghệ tiên tiến của Nhật Bản.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao quyết định của Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoản vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) với tổng trị giá 71,6 tỉ yên cho Việt Nam và hoan nghênh việc ký kết các công hàm trao đổi và hiệp định vay cho bốn dự án.

Nhật Bản bày tỏ ý định sẽ cung cấp một khoản vay ODA cho dự án bệnh viện tỉnh và địa phương giai đoạn 2.

Về thương mại và đầu tư, Việt Nam bày tỏ mong muốn phát triển hai khu công nghiệp chuyên sâu với sự hợp tác của phía Nhật Bản ở Hải Phòng và Bà Rịa - Vũng Tàu…  

Tự do hàng hải

Tuyên bố chung cũng đề cập đến hợp tác khu vực và quốc tế, trong đó có vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Hai bên khẳng định hòa bình và ổn định ở Biển Đông là lợi ích chung của cộng đồng quốc tế. Hai bên hoan nghênh việc thông qua Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC), kêu gọi thực hiện đầy đủ DOC và sớm xây dựng một bộ quy tắc ứng xử (COC), phù hợp với luật pháp quốc tế hiện hành.

Hai bên khẳng định tự do hàng hải, giao thương không bị cản trở, và tuân thủ luật pháp quốc tế hiện hành bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và việc giải quyết tranh chấp một cách hòa bình là phù hợp với lợi ích của các nước trong toàn khu vực. Hai bên cùng thừa nhận những lợi ích này cần được thúc đẩy và bảo vệ tại Biển Đông.

L.Thư