{keywords}
 

Tiềm năng của mô hình “Mua trước trả sau” ở Việt Nam

“Mua trước trả sau” (Buy now pay later - BNPL) là loại hình tài trợ tín dụng ngắn hạn, cho phép khách hàng mua sắm hàng hoá ngay lập tức mà không phải trả toàn bộ chi phí một lần. Theo đó, người mua hàng chỉ cần chia nhỏ số tiền phải trả thành nhiều lần và thanh toán dần theo từng chu kỳ, thường kéo dài trong vòng một cho đến vài tháng, sẽ không bị phát sinh chi phí nào nếu trả đúng hạn. Với mô hình BNPL, người tiêu dùng vẫn có thể mua sắm trên các nền tảng trực tuyến mà không cần thẻ tín dụng.

Theo VietCredit, điểm nổi trội của BNPL chính là thủ tục đăng ký đơn giản, dễ thao tác và thuận tiện ngay trên thiết bị di động, với danh mục sản phẩm đa dạng, đáp ứng thiết thực nhu cầu sử dụng của khách hàng. BNPL còn hấp dẫn ở chỗ cho phép khách hàng mua sắm ngay lập tức mà không cần có thẻ tín dụng như trước đây. Điều này mở ra cơ hội cho những người chưa có hoặc không đủ điều kiện mở thẻ tín dụng vẫn trải nghiệm mua sắm trực tuyến nhanh chóng. Khách hàng có thể mua một đôi giày, một bộ quần áo hay các sản phẩm tiêu dùng hàng ngày với mức giá không quá cao thông qua hình thức BNPL. Ngoài ra, khách hàng cũng có thể sử dụng khoản vay BNPL để trả các hóa đơn hàng tháng như: điện, nước, Internet…

Ở Việt Nam, dù vẫn còn mới mẻ nhưng hình thức BNPL được dự báo sẽ “bùng nổ” trong thời gian tới bởi các yếu tố như: dân số đông, trong đó tỷ lệ người trẻ (thế hệ Millennials từ 18 - 40 tuổi) đang chiếm ưu thế, tỷ lệ sử dụng thiết bị di động và Internet cao, ưa thích sử dụng các ứng dụng công nghệ để chi tiêu, mua sắm…

Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đang thay đổi thói quen của người tiêu dùng từ mua sắm trực tiếp sang trực tuyến. Theo khảo sát người tiêu dùng Việt Nam của Deloitte năm 2020, 68 - 76% người trẻ trong độ tuổi 20 - 40 có tần suất mua sắm trực tuyến từ 1 - 3 lần/tháng thông qua các trang thương mại điện tử. Đồng thời, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam dự báo, từ năm 2021 - 2025 sẽ là giai đoạn phát triển vượt bậc của thương mại điện tử, với mức tăng trưởng bình quân có thể lên đến 29%.

VietCredit nhận định, đây được xem là những “đòn bẩy” quan trọng, góp phần thúc đẩy mô hình BNPL phát triển mạnh mẽ và sớm được ưa chuộng tại Việt Nam.

Sản phẩm tài chính phù hợp người tiêu dùng trẻ

Qua hợp tác với Kredivo triển khai BNPL, VietCredit mong muốn sẽ góp phần giải quyết những nhu cầu tài chính cá nhân, tối ưu hóa trải nghiệm tài chính số cho khách hàng một cách trọn vẹn và liền mạch, đặc biệt là các khách hàng trẻ; từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh của VietCredit trên thị trường.

Theo ông Hồ Minh Tâm - Tổng Giám đốc VietCredit, tận dụng công nghệ của Fintech tạo “cánh tay nối dài” tiếp cận khách hàng tiềm năng cho thấy sự nhạy bén của công ty trong chinh phục thị trường tài chính tiêu dùng có nhiều khách hàng trẻ.

Việc “bắt tay” với công ty Fintech lớn mạnh như Kredivo cũng thể hiện sự chủ động, nhanh chóng của VietCredit tuân thủ chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là khuyến khích các công ty tài chính hợp tác với công ty Fintech để phát triển các sản phẩm, dịch vụ thân thiện, tiện lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán không tiền mặt”, ông Hồ Minh Tâm nhấn mạnh thêm.

Theo thông tin từ đại diện VietCredit, các sản phẩm dự kiến  được triển khai theo từng giai đoạn. Đầu tiên là cung cấp giải pháp thanh toán hóa đơn, đáp ứng nhu cầu hàng ngày và cho vay cá nhân. Vào quý IV/ 2021, ứng dụng thương mại điện tử BNPL sẽ chính thức hoạt động.

“Mô hình BNPL sẽ sớm thịnh hành và thúc đẩy mua sắm trực tuyến tăng trưởng mạnh mẽ, người tiêu dùng cũng dễ dàng và nhanh chóng mua sắm với nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, trong chiến lược kinh doanh đặt quyền lợi khách hàng làm trọng tâm, VietCredit luôn ưu tiên hướng dẫn khách hàng hiểu rõ về tài chính để tránh chi tiêu quá mức, đảm bảo sử dụng các khoản vay hiệu quả trong khả năng chi trả của mình”, ông Hồ Minh Tâm khẳng định.

Thế Định