Chiều ngày 6/9/2017, Ban tổ chức Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam đã công bố thông điệp chung của Diễn đàn năm nay.

Thông điệp cho hay, cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang ngày càng hiện hữu với những tác động mạnh mẽ, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Nhiều quốc gia trên thế giới với trình độ phát triển khác nhau đã xây dựng và triển khai chiến lược, qui hoạch, kế hoạch chuyển đổi số để thích ứng và làm chủ CMCN 4.0.

Ở Việt Nam, tháng 9/2016, tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam lần thứ 6, Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên chính thức phát biểu chỉ đạo và khẳng định quyết tâm của Chính phủ sẽ hành động quyết liệt, kịp thời để vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ phát triển của CMCN 4.0. Tháng 5/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16 về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0.

Trong bối cảnh đó, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam lần thứ 7 với chủ đề “Việt Nam - Chuyển đổi số trong CMCN 4.0” đã tập trung thảo luận về 4 nội dung chính gồm: Nhận thức về Việt Nam trong CMCN 4.0; Thế mạnh kinh tế số Việt Nam - Công nghiệp công nghệ số, Nông nghiệp thông minh, Du lịch thông minh; Thành phố thông minh; Nhân lực số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cùng nhiều ý kiến đóng góp của các diễn giả, các chuyên gia và đại biểu, Diễn đàn đã thống nhất đưa ra thông điệp chung với 6 điểm chính

Cụ thể, Diễn đàn thống nhất nhận thức sâu sắc rằng CMCN 4.0 là thời cơ thực hiện khát vọng phồn vinh của dân tộc, không thể bỏ lỡ. Tương lai của Việt Nam phụ thuộc vào nhận thức, khát vọng và sự dấn thân của lãnh đạo đất nước, mỗi doanh nghiệp và mỗi người dân cho việc hiện thực hóa khát vọng này.

“Việt Nam phải có dũng khí và hành động quyết liệt để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức của CMCN 4; phải tạo được môi trường khuyến khích sáng tạo, hệ thống chính sách, pháp luật thông thoáng, thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh mới phát triển. Trước hết Việt Nam phải sớm có chiến lược chuyển đổi số quốc gia để định hướng phát triển kinh tế - xã hội số; trên cơ sở đó xây dựng chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng cơ quan, từng doanh nghiệp, từng sản phẩm; đảm bảo tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa và tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược phải được diễn ra trên cơ sở chuyển đổi số trong mọi ngành, mọi lĩnh vực và ở mọi cấp độ”, thông điệp cho hay.

Cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và cộng đồng xã hội, trong đó sự liên kết giữa cơ quan Nhà nước - doanh nghiệp - trường đại học, viện nghiên cứu giữ vai trò nòng cốt, cùng phối hợp hành động quyết liệt và kịp thời bằng các giải pháp thiết thực, cụ thể để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực tiếp cận CMCN 4.0.

Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng xác định, cần tạo thuận lợi phát triển nền kinh tế số, tập trung ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của Việt Nam, trước hết là công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh và du lịch thông minh, trở thành những điểm sáng nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế số thế giới. Tháo gỡ mọi rào cản, xây dựng hệ sinh thái để thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển khu vực kinh tế tư nhân thực sự là động lực chính của nền kinh tế số.

Đặc biệt, thông điệp chỉ rõ, cần thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới giáo dục đào tạo, chú trọng đào tạo và đào tạo lại kiến thức, kỹ năng mới, nhất là tiếng Anh, toán học, và tư duy hệ thống; đưa các nội dung liên quan đến CMCN 4.0 vào chương trình phổ thông, dạy nghề, đại học; có kế hoạch chủ động về chuyển đổi việc làm và đảm bảo an sinh xã hội đối với các nhóm lao động có nguy cơ mất việc làm cao trong CMCN 4.0, nhất là nhóm lớn tuổi và các nhóm xã hội dễ bị tổn thương khác; khơi dậy và cổ vũ tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí dấn thân khởi nghiệp, sáng tạo của từng người dân, từng gia đình, từng trường học, từng cộng đồng, từng doanh nghiệp; chuẩn bị sẵn sàng thích ứng với những thay đổi căn bản của các mối quan hệ xã hội trong thời đại số.

Đồng thời, cần hình thành hệ thống chính sách, pháp luật khuyến khích phát triển và đảm bảo sự kết nối, chia sẻ cũng như sử dụng hiệu quả hạ tầng số quốc gia, bao gồm: hạ tầng viễn thông, hạ tầng dữ liệu (đặc biệt là dữ liệu mở - Open Data), hạ tầng thông tin và hạ tầng tri thức; xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách khuyến khích, ưu đãi thuế cho hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng số và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Cùng với đó, cần khẩn trương xây dựng các thành phố thông minh, tạo dựng hệ sinh thái cho các dịch vụ phục vụ dân sinh phát triển, an toàn cho người dân theo các tiêu chí, tiêu chuẩn về đô thị thông minh, cộng đồng thông minh của thế giới và phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam; trước tiên cần sớm xây dựng trung tâm điều hành kết nối thông tin của thành phố; đảm bảo hạ tầng thông tin là một cấu phần bắt buộc trong hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị; áp dụng mô hình thông tin đô thị (City Imformation Model - CIM) và sử dụng dữ liệu lớn từ IoT để quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành đô thị.