Ảnh minh họa: Internet |
Thực tế cho thấy, thế giới đang chứng kiến một cuộc “chuyển mình” mạnh mẽ, với những doanh nghiệp/ tổ chức đi tiên phong trên lộ trình chuyển đổi số, tạo ra sự đột phá về năng suất, cải thiện năng lực quản trị, trải nghiệm khách hàng và tối ưu hóa mô hình kinh doanh.
Theo đánh giá của các chuyên gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở hầu hết các lĩnh vực (thương mại, tài chính ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch, logistics, công nghiệp chế tác,…) đều ít nhiều bắt tay vào công cuộc cải tổ chính mình theo xu hướng chuyển đổi số trên thế giới.
Có thể kể đến câu chuyện FE CREDIT đã ứng dụng nền tảng cho vay kỹ thuật số $NAP hoàn toàn tự động, mang đến một quy trình cho vay hoàn chỉnh và khép kín, không cần đến sự can thiệp của con người, rút ngắn toàn bộ quá trình vay chỉ còn 10-15 phút và khách hàng được giải ngân tiền trong vòng vài giờ.
$NAP sử dụng công nghệ nhận dạng ký tự quang học (OCR) và nhận dạng chữ viết tay (ICR) để xác minh danh tính khách hàng và ghi nhận thông tin trên giấy tờ được người dùng chụp bằng chính điện thoại của họ. Đồng thời, FE Credit còn áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, sử dụng ảnh chân dung khách hàng tự chụp để truy vấn dữ liệu tín dụng và đưa ra quyết định.
Kết quả là chỉ trong 2 tháng sau khi triển khai (đến tháng 11/2018), số lượng đăng ký vay và số khoản vay được giải ngân qua ứng dụng $NAP tăng trung bình 280%. Tính đến cuối tháng 11/2018, số lượng đăng ký vay đã đạt gần 150.000 và có khoảng 2.000 đăng ký mỗi ngày. Hơn thế, nhờ AI và phân tích dữ liệu chuyên sâu trong quá trình xác minh khách hàng, FE CREDIT đã thành công trong việc nắm bắt được nhu cầu của phân khúc khách hàng chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng.
Ngoài FE CREDIT, có thể kể đến nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn như Viettel, Vietcombank, EVN, FPT… đều đã có những động thái tham gia tích cực công cuộc chuyển đổi số và cũng đã gặt hái được những kết quả nhất định. Trong đó, có thể đến FPT với việc định hướng “chuyển đổi số cùng với khách hàng”.
FPT đã đưa chuyển đổi số gắn liền với tăng cường năng lực công nghệ mới chuyên sâu, tập trung giải quyết vấn đề một cách đột phá, và không ngừng sáng tạo. Có thể thấy được những kết quả liên tục của quá trình này qua các sản phẩm giải pháp đã được FPT đưa ra thị trường trong nước và thị trường toàn cầu như bệnh viện thông minh, giao thông thông minh, điện toán đám mây, truyền hình thông minh. Một ví dụ là hệ thống công cụ bán hàng được chuyển đổi thành hệ thống trực tuyến với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây giúp tiếp cận khách hàng một trực quan thay vì sử dụng phương pháp tiếp cận truyền thống. Hay như hệ thống quản lý dự án đồng bộ giúp người quản lý cập nhật tiến độ dự án từng phút để hỗ trợ việc ra quyết định thay vì việc báo cáo định kỳ hằng tuần, tháng, quý như trước đây.
Hoạch định một kế hoạch dài hơi về chiến lược chuyển đổi số, Ban lãnh đạo Tập đoàn FPT đã mời ông Phương Trầm - Nguyên giám đốc CNTT, người trực tiếp chỉ đạo, triển khai thành công các chương trình chuyển đổi số cho một Tập đoàn hàng đầu tại Mỹ về hóa chất, nông nghiệp và vật liệu mới - làm Tư vấn trưởng cho các dự án chuyển đổi số của FPT.
Từ những bài học kinh nghiệm điển hình này, chương trình nghị sự của Vietnam ICT Summit 2019 sẽ mang đến những chia sẻ nhiều hơn từ các chuyên gia đang quan sát hay đang tham gia thực hiện chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam. Với mục tiêu góp phần thúc đẩy chuyển đổi số tại Việt Nam và xây dựng nền kinh tế số vì một Việt Nam hùng cường, Diễn đàn lần này kì vọng sẽ mở ra một chương mới, với những câu chuyện, những kỳ tích mới được chính người Việt Nam viết nên.
Như ICTnews đã đưa tin, Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2019 (Vietnam ICT Summit 2019) với chủ đề “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”. Diễn đàn dự kiến sẽ diễn ra ngày 8/8 tới tại Hà Nội. Theo Chương trình, Diễn đàn sẽ gồm 1 phiên toàn thể vào buổi sáng và 2 phiên Chuyên đề diễn ra đồng thời trong buổi chiều ngày 8/8/2019 với các chủ đề chuyên biệt: Phát triển trí tuệ nhân tạo Việt Nam; Chuyển đổi số cho các cơ quan Nhà nước và Chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Bên lề của Diễn đàn sẽ có Triển lãm các giải pháp cho chuyển đổi số và hoạt động kết nối tư vấn, hợp tác về chuyển đổi số cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu.
Đặc biệt, nhấn mạnh tầm vóc và ý nghĩa một “Diễn đàn của hành động”, Liên minh Chuyển đổi số sẽ được ra mắt tại Vietnam ICT Summit 2019, với thành viên là một số Tập đoàn công nghệ và kinh tế hàng đầu tại Việt Nam như: Viettel, FPT, VNPT, CMC, MISA, VNG, MobiFone, Liên Việt Post Bank, HiPT...
Bên cạnh đó, còn có các phát biểu cam kết và tuyên bố của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức về các chương trình hành động, hoạt động thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia.