Sáng nay, Diễn đàn kết nối nguồn lực phát triển khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực thương mại điện tử và logistics, nằm trong chương trình Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia Techfest 2019 đã diễn ra tại thành phố Hạ Long.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty dịch vụ số Viettel trình bày một số giải pháp đột phá của Viettel nhằm thúc đẩy thương mại điện tử của Việt Nam. Dự kiến quý 4/2019 Viettel sẽ là đơn vị đầu tiên triển khai thí điểm mobile money tại Việt Nam, khi đó sẽ có trên 50% dân số sẽ có tài khoản mobile money.
Theo ông Việt, một trong những rào cản lớn nhất của TMĐT Việt Nam hiện nay là niềm tin, 33% số người được khảo sát chưa mua hàng trực tuyến vì chưa có niềm tin vào người bán hàng, 60% đánh giá chất lượng hàng hoá không đảm bảo, hơn 80% người dùng chưa tin tưởng vào sàn TMĐT. Để thanh toán, phải có tài khoản ngân hàng nhưng không phải ai cũng có điều kiện mở tài khoản ngân hàng nhưng ai cũng có số điện thoại, 89% vẫn sử dụng COD, rào cản với TMĐT, chi phí giao vận logistic cao hơn nhiều so với khu vực, chiếm 25% GDP Việt Nam, cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực như Thái Lan (19%), Singapore (8%).
Tổng công ty dịch vụ số Viettel mới ra đời tháng 6/2018, và mục tiêu của Viettel sẽ hỗ trợ thị trường dưới cương vị là đơn vị cung cấp các giải pháp hạ tầng nhằm giảm chi phí logistic và đảm bảo thanh toán giữa người mua và người bán thông qua dịch vụ cung cấp hoàn tất đơn hàng (fullfilment logistic) và cung cấp dịch vụ đảm bảo thanh toán.
Theo đó, với dịch vụ fullfilment của Viettel sẽ kết hợp với Viettel Post và các đơn vị vận chuyển toàn quốc xây dựng hệ thống giao nhận thông minh, tối ưu hoá quy trình nhận hàng, lưu kho, đóng gói, chuyển phát và thu hồi hàng hoá trong 1 ngày. Như vậy người bán hàng chỉ cần lo sản xuất, marketing và bán hàng còn mọi việc hậu cần đằng sau sẽ do Viettel lo (dịch vụ này giống của Amazon). Viettel sẽ áp dụng công nghệ xây dựng thuật toán phân tích để rút ngắn quy trình giao hàng tại tỉnh xuống 1 ngày, điều này sẽ mang lại chi phí giao nhận hợp lý nhất cho người mua và người bán.
Về dịch vụ thanh toán đảm bảo, Viettel đưa ra khái niệm "thanh toán tạm giữ". Tức là khi khách hàng thanh toán, tiền chưa chuyển ngay về tài khoản của người bán mà ở trạng thái đóng băng trong một khoảng thời gian nhất định. Trong thời gian tạm giữ, người mua sẽ kiểm tra xem đơn hàng có đúng với yêu cầu không, sau đó xác nhận đồng ý chuyển tiền cho người bán hoặc sau tối đa 7 ngày, thì tiền mới chuyển về tài khoản của người bán.
Ông Việt tiết lộ, thời gian ngắn tới đây khi Chính phủ phê duyệt đề án Mobile money, Viettel sẽ là đơn vị tiên phong triển khai, như vậy 50 triệu người dân Việt Nam có khả năng tiếp cận được ngay với dịch vụ TMĐT mỗi một số điện thoại sẽ là một tài khoản thanh toán để sử dụng thanh toán thương mại điện tử, đây sẽ là cú hích phá vỡ rào cản về TMĐT đặc biệt tại vùng sâu vùng xa tại Việt Nam. Với hơn 200.000 điểm thanh toán chấp nhận nạp rút tiền tại VN, người dân sẽ có cơ hội để tham gia thanh toán trên TMĐT.
Viettel sẽ xây dựng cổng thanh toán đảm bảo (VPE - Viettel Payment Escrow), sử dụng big dât để đánh giá điểm tín nhiệm hành vi người dùng, cung cấp dịch vụ đảm bảo thanh toán cho sàn TMĐT dựa trên hình thức đánh giá điểm tín nhiệm, người tín dụng cao có thể được cho phép sử dụng COD, người có tín nhiệm vừa vừa có thể được yêu cầu tạm ứng 10% đơn hàng hoặc bắt buộc thanh toán toàn bộ giá trị đơn hàng. Khi đơn hàng thành công, chuyển lại giá trị đơn hàng tạm ứng qua tài khoản mobile money của người bán. Khi người mua đã đồng ý thì người bán được nhận tiền ngay trong ngày.
Việc thanh toán được đảm bảo bằng Viettel Pay, đại diện Viettel cho biết hệ sinh thái thanh toán điện tử Viettel Pay đã có 6 triệu người sử dụng, 2 triệu khách hàng thanh toán thường xuyên, 5 triệu giao dịch/tháng, dòng tiền giao dịch 50.000 tỷ/tháng, hơn 15.000 điểm chấp nhận thanh toán và 200.000 điểm hỗ trợ nạp rút tiền. Viettel Pay sẽ là nền tảng hỗ trợ thanh toán điện tử cho mobile money.
Theo Trí thức trẻ