Hình ảnh của Viettel đã có thay đổi lớn tại Vietnam Telecomp 2013. Thương hiệu
này đem đến Triển lãm quốc tế bức tranh về một nhà cung cấp dịch vụ tích hợp
viễn thông và CNTT với tuyên bố: “Chúng tôi không còn là ông Alo”.
Thành phố công nghệ đa sắc
Viettel vốn nổi tiếng với thành tựu bình dân hóa dịch vụ thông tin di động. Thế
nhưng, khi bước vào khu triển lãm của thương hiệu này tại Vietnam Telecomp 2013,
khách tham quan lại thấy một hình ảnh khác.
“Thành phố công nghệ” của Viettel luôn tấp nập khách tham quan. |
Thay vì hình ảnh đậm nét của một doanh nghiệp viễn thông với dịch vụ kiếm tiền
chủ lực là “Alo”, người xem được thấy không gian lớn nhất của gian hàng Viettel
tái hiện cuộc sống của một khu cư dân thành phố với những tiện ích viễn thông và
công nghệ thông tin đang len lỏi vào từng nhu cầu cá thể của con người.
Trong không gian này, khách tham quan có thể cảm nhận rõ nét sự tích hợp giữa
viễn thông và CNTT ở những dịch vụ “ngoài Alo” mà Viettel đang thực hiện.
Nhiều người nhận ra, “Alo” giờ đây chỉ là một phần nhỏ trong những dịch vụ mà
Viettel cung cấp cho cuộc sống hàng ngày và chiếc điện thoại di động là công cụ
giúp người dùng có thể sử dụng nhiều tiện ích đó. Khi muốn chuyển tiền, thành
toán, bạn có thể dùng Bankplus; khi muốn cập nhật tình hình học tập của con ở
trường thì SMAS là lựa chọn tối ưu; chiếc TV giờ đây được tích hợp cả một kho dữ
liệu về phim, nhạc… cho khách hàng giải trí, và cũng được đồng bộ với
Smartphone.
Không gian của “thành phố công nghệ” với sự tích hợp viễn thông và CNTT trong
đời sống hàng ngày mà Viettel mang tới Vietnam Telecomp 2013 cũng thể hiện một
bước ngoặt trong chiến lược của tập đoàn này: chuyển từ khái niệm nhà mạng viễn
thông sang nhà cung cấp dịch vụ.
Sự thay đổi mang tính lịch sử của nhà mạng
“Nghề chính của doanh nghiệp viễn thông là "Alo", nhưng tương lai sẽ có sự thay
đổi mang tính lịch sử: Các nhà mạng sẽ phải từ bỏ nghề chính của mình. Viễn
thông ngày nay sẽ cộng với các thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối, thiết bị y
tế và các thiết bị về điện thoại công cộng, cùng với CNTT (tức là xử lý dữ
liệu), thâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, làm cho doanh thu được tạo ra
từ các dịch vụ này sẽ gấp 4-5 lần doanh thu từ viễn thông. Chính vì thế, hình
ảnh thành phố công nghệ mà Viettel đem đến Vietnam Telecomp 2013 là để thể hiện
chiến lược mới của chúng tôi”, một lãnh đạo cấp cao của Viettel chia sẻ.
Đại diện của tập đoàn này nói thêm: “Năm 2013, Viettel chính thức tuyên bố sẽ
đưa viễn thông và công nghệ thông tin len lỏi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã
hội. Những gì Viettel mang tới Vietnam Telecomp 2013 minh chứng những gì chúng
tôi làm được trong thời gian qua”.
Bên cạnh tuyên ngôn đặc biệt về chiến lược mới thông qua “thành phố công nghệ”,
Viettel còn công bố những mục tiêu tham vọng đi kèm. Tập đoàn này dự kiến sẽ trở
thành doanh nghiệp số 1 Việt Nam cả về viễn thông lẫn CNTT vào năm 2015; trở
thành top 30 nhà cung cấp viễn thông lớn nhất thế giới; top 10 nhà đầu
tư viễn thông toàn cầu cùng thời điểm. Dự kiến vào năm 2015, Viettel sẽ có thị
trường 500 triệu và tới 2020 là 1 tỷ người dùng.
Chưa hết, “người hùng” bình dân hóa dịch vụ thông tin di động còn cam kết làm
bùng nổ thị trường CNTT Việt Nam bằng việc bình dân hóa dịch vụ, đưa
CNTT- viễn thông vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Ở lĩnh vực mới là sản
xuất thiết bị đầu cuối, Viettel dự kiến sẽ sản xuất smartphone có giá chỉ 30 USD
và dự tính đưa xuống còn 20 USD nếu điều kiện cho phép.
Liệu Viettel có thể thực hiện thành công chiến lược mới hay đi được bao xa với
những mục tiêu tham vọng của mình? Thời gian sẽ cho câu trả lời. Nhưng trước
đây, thương hiệu viễn thông quân đội từng có tuyên bố bị coi là không tưởng “sẽ
đem di động đến mọi nhà” thì nay điều đó đã trở thành hiện thực.
Thủy Lê