Tính đến hết tháng 6/2017, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt tổng doanh thu 118.000 tỷ đồng, và có lợi nhuận trước thuế 21.672 tỷ đồng (gần 1 tỷ USD).
Tháng 4/2017, Viettel đã trở thành mạng viễn thông đầu tiên khai trương dịch vụ 4G tại Việt Nam, với công nghệ 4 thu 4 phát (trên thế giới chỉ có dưới 60 nhà mạng có công nghệ này). Hạ tầng 4G của Viettel với 36.000 trạm BTS phủ sóng toàn quốc là lớn nhất trong các nhà mạng, với số lượng khách hàng sử dụng 4G là 5,5 triệu.
Ở lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, Viettel sản xuất thành công vOCS 3.0 (hệ thống tính cước theo thời gian thực còn được gọi là “trái tim nhà mạng”) với dung lượng tối đa 24 triệu số/site (hệ thống lớn nhất trước đó chỉ đạt tối đa 12 triệu đầu số/site). Với việc tự làm chủ hệ thống OCS, Viettel ước tính tiết kiệm được 70 triệu USD chi phí đầu tư cho hệ thống. Hiện nay, vOCS 3.0 đã được chuyển đổi thành công cho hệ thống mạng với hơn 90 triệu thuê bao tại Việt Nam và ở 5 thị trường quốc tế khác.
Viettel cung cấp gói cước Đông Dương vào đầu năm 2017, giúp cho người dân tại Việt Nam, Lào, Campuchia có thể đi lại giữa 3 nước gọi điện, nhắn tin dùng dữ liệu (3G, 4G) giống như cước trong nước – gần như xóa bỏ cước roaming quốc tế tại khu vực. |
Trên thế giới, Viettel trở thành công ty hiếm hoi là một nhà mạng nhưng tự sản xuất được hệ thống tính cước thời gian thực, vốn được ví như Core Banking trong hệ thống ngân hàng nhưng có độ phức tạp, và quy mô lớn hơn nhiều lần.
Đi kèm với hệ thống vOCS 3.0, Viettel đã thử nghiệm và sản xuất thành công trạm BTS 4G và đã lắp đặt, đầu tư tại một thị trường quốc tế; sản xuất thành công smartphone bảo mật 4G…
Trong quý I/2017, Viettel đã hoàn thành việc triển khai gói cước Đông Dương giúp những khách hàng sử dụng mạng Viettel tại Việt Nam, Lào, Campuchia (và sắp tới là Myanmar) có thể gọi điện, nhắn tin dùng dữ liệu (3G-4G) giống như trong nước. Gói cước này gần như xóa bỏ cước roaming tại Đông Dương với những khách hàng sử dụng mạng Viettel (Việt Nam), Metfone (Campuchia), Unitel (Lào) và sắp tới là Mytel (Myanmar).
Doanh thu từ kinh doanh ở các thị trường quốc tế tăng trưởng 25% trong 6 tháng đầu năm, đạt gần 14.000 tỷ đồng (600 triệu USD) cho 6 tháng đầu năm. Các thị trường nước ngoài đóng góp gần 1.000 tỷ đồng (41,2 triệu USD) vào lợi nhuận chung của tập đoàn (lợi nhuận từ thị trường nước ngoài = Viettel Global + Viettel Peru). Nếu tính lợi nhuận lũy kế từ khi đầu tư nước ngoài (năm 2006), con số lên tới hơn 520 triệu USD (khoảng 11.800 tỷ đồng).
Tháng 1/2017, Viettel đã nhận giấy phép đầu tư tại Myanmar – thị trường nước ngoài thứ 10, đưa tổng quy mô thị trường quốc tế lên 235 triệu dân (gấp hơn 2,5 lần so với Việt Nam).
Theo dự kiến, Mytel – tên thương hiệu Viettel tại Myanmar sẽ cung cấp dịch vụ di động vào quý I/2018, cung cấp 4G toàn quốc và dự kiến trở thành mạng có hạ tầng viễn thông lớn nhất ở quốc gia này: 7.200 trạm BTS (phủ 90% dân số); 33.000 km cáp quang (gấp 2 lần công ty lớn nhất trước đó), giúp tăng chỉ số km cáp quang/triệu dân tại Myanmar thêm 50%.
Trong năm 2017, Viettel đạt mục tiêu có 50 triệu khách hàng ở nước ngoài tăng 35%, doanh thu 1,4 tỷ USD (khoảng 32.000 tỷ đồng) tăng 29% và thu lợi nhuận 250 triệu USD từ thị trường quốc tế.
Năm 2017, Tập đoàn Viettel đặt mục tiêu doanh thu là 257.700 tỷ đồng, lợi nhuận 45.500 tỷ đồng.
Trà My