Một cán bộ của Viettel cho biết, Chính phủ đã ký quyết định về việc Viettel chính thức tiếp nhận công ty viễn thông điện lực (EVN Telecom), thành viên của tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kể từ ngày 1.1.2012 tới. Đây là vụ sáp nhập đầu tiên trong lĩnh vực viễn thông của Việt Nam.


Theo một nguồn tin riêng từ Viettel, trong quyết định trên, Chính phủ đã quyết định bàn giao “nguyên trạng EVN Telecom” cho Viettel. Nguyên trạng của EVN Telecom là: nhà cửa, đất đai, hạ tầng kỹ thuật từ mạng trục, cáp quang, trạm phát sóng di động, con người, quan hệ đối tác, những khoản đầu tư… và những khoản nợ mà tính đến thời điểm bàn giao EVN Telecom còn nợ.

Khi có quyết định của Chính phủ, Viettel và EVN Telecom sẽ tiến hành các phương án tiếp nhận, từ tài sản đến con người cũng như các khoản nợ… Song song đó, Viettel vẫn tiến hành vận hành hệ thống, khai thác các dịch vụ đang có khách hàng. Đại diện Viettel cho biết, lãnh đạo Viettel đã có ba cam kết khi tiếp nhận EVN Telecom. Đó là: đảm bảo quyền lợi khách hàng, đảm bảo công ăn việc làm cho đội ngũ cán bộ công nhân viên của EVN Telecom, thay mặt EVN Telecom thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ với các đối tác trước đây của doanh nghiệp này.

EVN Telecom đang sở hữu: năm cổng kết nối quốc tế tại Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn, Mộc Bài (Tây Ninh), Khánh Bình (An Giang) và Lao Bảo (Quảng Trị), hơn 40.000km cáp quang tại 63 tỉnh thành, băng tần của hai mạng CDMA 450MHz và 3G cùng với hệ thống đường trục Bắc – Nam với dung lượng thiết kế lên đến 400Gbps.

EVN đã đẩy được một khoản nợ tính bằng đơn vị ngàn tỉ đồng cho một đơn vị khác cũng thuộc nhà nước. EVN chưa bao giờ chính thức công bố số nợ của EVN Telecom kể từ khi nhà mạng này chính thức hoạt động cho đến nay. Trong năm 2010, EVN Telecom nợ 957 tỉ đồng. Năm nay, mỗi tháng, EVN Telecom bị ghi nợ khoảng 176 tỉ đồng, từ tiền lãi ngân hàng, hoạt động thường xuyên…

Và một khoản nợ khác mà hiện nay EVN Telecom không thể quên, đó là 708 tỉ đồng tiền đặt cọc của FPT trong thương vụ mua lại 60% cổ phần của EVN Telecom. Lẽ ra, trong giao dịch mua bán thông thường, EVN có thể giữ số tiền này vì FPT là kẻ “bỏ cuộc chơi” nhưng theo lời của ông Trương Đình Anh, tổng giám đốc FPT, Văn phòng Chính phủ đã có công văn yêu cầu EVN Telecom phải hoàn trả lại số tiền trên cho FPT. Tính ra trong hai năm 2010 và 2011, EVN Telecom nợ gần 4.000 tỉ đồng.

Như vậy, việc Hanoi Telecom đề nghị Chính phủ được mua lại băng tần 3G trong liên doanh 3G với EVN Telecom coi như không thành.

(Theo Gia Vinh/SGTT)