Dùng hương liệu quảng cáo tự nhiên?
Gần đây, thông qua báo chí, lãnh đạo Vinacafe Biên Hòa tuyên bố: “Thực tế từ xưa đến nay (từ năm 1968), Vinacafe luôn được định vị là cà phê thiên nhiên thuần khiết. 100% các sản phẩm đều làm từ cà phê thiên nhiên, hoàn toàn không sử dụng hương liệu tổng hợp tạo mùi cà phê và bất cứ một loại phụ gia nào khác”.
Tuy nhiên, theo Giáo Dục Việt Nam, lấy ví dụ điển hình một sản phẩm của Công ty Vinacafe Biên Hòa như cà phê Wake up Hương chồn, trên bao bì sản phẩm này ghi rõ thành phần có sử dụng “hương tổng hợp dùng trong thực phẩm (hương cà phê chồn)”.
Như vậy, nếu nói sản phẩm của Vinacafe Biên Hoà “hoàn toàn không sử dụng hương liệu tổng hợp tạo mùi cà phê và bất cứ một phụ gia nào khác” là.... không đúng.
Tuyên bố cà phê không dùng phụ gia của lãnh đạo Vinacafe. |
Giáo dục Việt Nam dẫn thông tin, một cán bộ của phòng Phát triển sản phẩm, Công ty CP Vinacafe Biên Hòa cho biết: Vinacafe có 2 dòng sản phẩm: Một là sản phẩm tự nhiên (có nguồn gốc tự nhiên) như cà phê sữa vàng mới (với quảng cáo “cà phê chỉ làm từ cà phê”), còn một dòng sản phẩm sử dụng hương (có dùng phụ gia thực phẩm) như cà phê Wake up hương Chồn và cà phê Wake up Sài Gòn.
Tuy nhiên, người của Vinacafe cũng khẳng định: Những hương này đều mua từ các công ty thương hiệu uy tín trên thế giới và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng.
Mặc dù vậy, không ít người đang tự đặt câu hỏi: Vinacafe Biên Hòa đang truyền đi thông điệp gì khi khẳng định họ không dùng phụ gia tạo hương, trong khi thực tế vẫn đang sử dụng phụ gia này?
Thậm chí cả sản phẩm Vinacafe sữa vàng, theo một chuyên gia cà phê phân tích: Vinacafe sử dụng quy trình rang và hút hương ngay trong sản phẩm, sau đó hương coffee này lại được phun ướp lại trực tiếp trên sản phẩm - Dù là hương tự nhiên nhưng đây vẫn được coi là phụ gia.
Lừa dối xuất xứ
Liên quan đến việc Vinacafe Biên Hòa đang tung ra một clip quảng cáo được chiếu trên Đài Truyền hình Quốc gia Việt Nam, trong đó có lời dẫn "Được tuyển chọn từ hạt cà phê của 8 vùng đặc sản (Buôn Mê Thuột, Cầu Đất, Đăk Hà, Đăk Mil, Khe Sanh, Chiềng Ban, Long Khánh, Chư Sê) ngon nhất Việt Nam"... để khẳng định chỉ có cà phê của mình mới là thật và ngon nhất.
Theo Đất Việt, dân lời ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý (Cục Sở hữu trí tuệ) cho biết, sự thật không phải như vậy.
Theo ông Thanh, Quy định chỉ dẫn địa lý được quy định trong pháp luật Việt Nam một cách đầy đủ và cơ bản nhất phù hợp với các quy định của pháp luật, Luật thương mại, WTO, Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 được sửa đổi bổ sung năm 2009.
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể.
|
Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.
Khi được bảo hộ rồi thì chỉ những người trong khu vực đó mới được mang tên bảo hộ. Những người ngoài khu vực không được phép gắn tên bảo hộ cho sản phẩm của mình. Nếu những người ngoài khu vực mà sử dụng tên này là vi phạm pháp luật và vi phạm luật sở hữu trí tuệ. Những người trong khu vực được bảo hộ mà chưa được phép sử dụng thì cũng không được sử dụng.
Ông Thanh cho biết, trong 8 vùng chỉ dẫn địa lý mà Vinacafe đưa ra chỉ có duy nhất cà phê Buôn Mê Thuột đã được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý. 7 vùng còn lại vẫn chưa nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn.
Một vấn đề nữa là cách dùng từ "ngon nhất" như trong quảng cáo là không ổn. "Trong luật sở hữu trí tuệ không có khái niệm thế nào là "ngon; ngon nhất". Định nghĩa từ "ngon" đã rất khó đánh giá rồi, ngon với tôi nhưng không ngon với người khác, nên rất khó để định nghĩa. Dùng từ ngon, ngon nhất là không đúng với cách dùng từ của Luật Sở hữu trí tuệ. Theo quy định, chỉ có thể là chất lượng đặc thù, đặc trưng, ông Thanh cho biết thêm.
Không những thế, theo Đất Việt, Vinacafe Biên Hòa còn đem vùng bảo hộ hồ tiêu đi quảng cáo cà phê
Ông Thanh phân tích, một địa danh có thể đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho nhiều sản phẩm khác nhau. Nhưng nếu một địa danh đăng ký bảo hộ địa lý cho một sản phẩm này mà lại quảng cáo cho một sản phẩm khác là không đúng.
Ví dụ, 8 địa danh mà Vinacafe khẳng định là 8 vùng địa lý có cà phê đặc ngon nhất nhưng chỉ có duy nhất Buôn Mê Thuột đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý với sản phẩm cà phê. Chư Sê đăng ký hồ tiêu, Long Khánh là cao su và các sản phẩm công nghiệp...
Việc Vinacafe Biên Hòa sử dụng địa danh đăng ký bảo hộ hồ tiêu, cao su để quảng cáo cho cà phê là không ổn, như vậy là lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Nếu Chư Sê chỉ đăng ký hồ tiêu mà Vinacafe lại quảng cáo cà phê cho Chư Sê thì rõ ràng là đã vi phạm quy định của pháp luật (chỉ đăng ký hạt tiêu mà lại sử dụng quảng cáo cà phê), thứ hai, UBND tỉnh chỉ cho phép đăng ký tên Chư Sê bảo hộ cho hạt tiêu thôi chứ không được quyền đăng ký cho sản phẩm khác. Với hai nhận định đó thì rõ ràng Vinacafe Biên Hòa không được làm như vậy. Đó là đánh đồng khái niệm.
Nguyễn Hữu Cẩn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ Trong bảo hộ chỉ dẫn địa lý không có khái niệm chỉ dẫn nào là "tốt nhất, ngon nhất" mà chỉ có khái niệm là đặc thù và đặc trưng. Ví dụ, khái niệm tốt nhất hoàn toàn là phụ thuộc vào đánh giá của người tiêu dùng chứ không phải là cơ quan quản lý. Với quảng cáo của Vinacafe về "8 vùng cà phê đặc sản ngon nhất" không đúng là bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý không nhằm vào mục tiêu chỉ sản phẩm đó là tốt nhất hay ngon nhất... nó chỉ nhằm khẳng định sản phẩm đó có chất lượng đặc thù, đặc trưng do vùng địa lý đó mang lại". |
(Theo Giáo dục Việt Nam – Đất Việt)