- Một công trình 1.500 tỷ đồng mà sau 6 năm đã phải đổ vào 10 tỷ đồng để sửa chữa. Vinaconex phải chịu trách nhiệm cao nhất với các sự cố.
Ngày 8/5, Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Hoàng Thế Trung – cựu Giám đốc Ban quản lý dự án cấp nước sông Đà – Hà Nội và Trần Cao Bằng – cựu Giám đốc công ty cổ phần ống sợi thủy tin Vinaconex.
Theo cơ quan điều tra, ông Trung bị bắt vì đã “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 229 Bộ luật Hình sự.
Cụ thể, Giám đốc ban quản lý Trung đã không giám sát, không thực hiện đúng kỹ thuật và kiểm tra năng lực của nhà thầu trong quá trình xây dựng đường ống nước sạch sông Đà. Đây là nguyên nhân khiến đường ống kém chất lượng, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đường ống nước sông Đà liên tục xảy ra sự cố |
Cùng bị bắt tạm giam với ông Trung còn có ông Trần Cao Bằng, Giám đốc công ty Ống sợi thuỷ tinh Vinaconex - đơn vị cung cấp đường ống nước sạch sông Đà.
Ngay sau đó ngày 9/5, Tổng công ty CP Vinaconex đã ra thông cáo báo chí cho biết đã và đang phối hợp chặt chẽ với Cơ quan cảnh sát điều tra. Các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và công ty CP ống cốt sợi thủy tinh Vinaconex vẫn diễn ra bình thường.
Theo tìm hiểu của VietNamNet, đường ống dẫn nước sạch Sông Đà làm bằng ống cốt sợi thủy tinh của Vinaconex làm chủ đầu tư thuộc dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Hiếu Môn - Hà Nội - Hà Đông do Thủ tướng phê duyệt từ ngày 24/9/2003.
Dự án này được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 bắt đầu triển khai từ 2005, xây dựng đường ống có công suất 300.000m3/ngày đêm, độ dài đường ống là 45,8km với tổng số vốn lên đến 1.500 tỉ đồng. Giai đoạn 2 sẽ xây dựng thêm tuyến đường ống thứ 2 nâng công suất truyền tải nước từ sông Đà về Hà Nội lên 600.000m3/ngày đêm. Định hướng đến năm 2020 sẽ có tổng công suất truyền nước sạch từ sông Đà về Hà Nội 1.200.000 m3/ngày đêm.
Năm 2010, công trình đã được trao “Cúp vàng chất lượng xây dựng Việt Nam” của
Bộ Xây dựng. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm kể từ 2009 hoàn thành và đưa vào sử dụng đến nay, tuyến đường ống số 1 đã 10 lần bị nứt vỡ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của hơn 70.000 hộ dân Hà Nội.
Trước đó, ngày 29/7/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Cục Cảnh sát kinh tế (C46), Bộ Công an đã công bố khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” để điều tra về các sự cố vỡ đường ống nước sông Đà.
Lật lại bài toán trách nhiệm
Vụ việc cho thấy có trách nhiệm của nhiều bên. Trong đó, đối với nhà đầu tư – tổng công ty Vinaconex cũng như nhà thầu thiết kế, thi công, nhà sản xuất đường ống, công ty vận hành tuyến ống phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống, trách nhiệm về sự cố xảy ra, trách nhiệm về việc vận hành đường ống, trách nhiệm khắc phục sự cố và cấp nước theo đúng sơ đồ thiết kế. Nhà đầu tư có trách nhiệm tiếp tục đầu tư tuyến ống giai đoạn 2 theo đúng quy hoạch.
Bộ Xây dựng với chức năng quản lý nhà nước đã có ý kiến chỉ đạo đối với nhà đầu tư là Cty khai thác nước Sông Đà và các đơn vị liên quan của Hà Nội tìm mọi biện pháp để bảo đảm cung ứng nước sạch cho người dân.
Phân tích cụ thể về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Thứ trưởng Lê Quang Hùng khi đó là Cục trưởng Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình cho biết, dự án xây tuyến ống truyền tải nước Sông Đà về Hà Nội được Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng tại văn bản số 1285/CP-CN ngày 24/9/2003. Hội đồng quản trị Tổng công ty Vinaconex đã ban hành các quyết định phê duyệt dự án đầu tư, phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào cuối năm 2003 và đầu năm 2004.
Theo quy định của pháp luật đầu tư về xây dựng, việc tổ chức đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng thuộc về chủ đầu tư – Vinaconex và các nhà thầu có liên quan.
Tại thời điểm đó Vinaconex không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng. Vinaconex cũng đã được cổ phần hóa và được chuyển về cho TCty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp này.
Cũng cần nói thêm rằng, Điều 37 của Nghị định 209/2004/NĐ - CP của Chính phủ ngày 16/12/2004 có quy định rõ: “Bộ Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trong phạm vi cả nước”.
Sau này, khi công tác quản lý xây dựng được thực hiện theo Nghị định 15/2013/NĐ - CP ngày 6/2/2013, thì tại điểm a, Điều 21 cũng quy định rõ ràng như sau: “Cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng và Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành quy định tại Khoản 2, Điều 41, Nghị định này thẩm tra thiết kế các công trình theo chuyên ngành quản lý, bao gồm: Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ quản lý công trình chuyên ngành quyết định đầu tư; công trình cấp I, công trình cấp đặc biệt và công trình quan trọng quốc gia được Thủ tướng giao”.
Sau quá trình điều tra, đã có những cá nhân đầu tiên phải chịu trách nhiệm. Vụ án vỡ đường ống nước sông Đà vẫn tiếp tục được điều tra làm rõ, dư luận tin rằng bài toán trách nhiệm sẽ được làm rõ tới cùng.
Ở một diễn biến khác, lãnh đạo TP Hà Nội vừa chỉ đạo phía Vinaconex phải nhanh chóng đưa ra giải pháp để giảm thiểu tình trạng thiếu nước của Thủ đô thời gian tới. Gần đây, trao đổi với báo chí, lãnh đạo công ty nước sạch Vinaconex cho hay dự kiến đường ống số 2 sông Đà, cung cấp nước cho Hà Nội sẽ được khởi công trong tháng 8, tức là chậm gần 1 năm so với cam kết.
Trong khi tuyến đường ống số 2 vẫn nằm trong dự kiến thì nguy cơ về việc xảy ra sự cố trên tuyến đường ống số 1 vẫn treo lơ lửng trên đầu hàng vạn hộ dân. Điệp khúc “vỡ ống – mất nước” vẫn có thể tiếp tục trở thành nỗi ám ảnh của người dân Thủ đô.
- Hồng Khanh - Thu Lý