Xòe Thái – tinh hoa miền di sản là chủ đề của chương trình lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh "Nghệ thuật Xòe Thái" vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, Khám phá Danh thắng Quốc gia đặc biệt Ruộng bậc thang Mù Cang Chải 2022. Chương trình sẽ diễn ra tại Sân vận động Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái ngày 24/9/2022 (trực tiếp trên VTV1 và tiếp sóng trên YTV từ 20h). Sự kiện này có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng với người dân Thái, với Yên Bái nói riêng và với Việt Nam nói chung. Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã có những chia sẻ với VietNamNet xung quanh lễ vinh danh đặc biệt này.

Xoè Thái được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể năm 2021. 

- Xòe sinh ra từ người Thái, sống cùng người Thái và lớn lên cùng người Thái, với vai trò là Tổng đạo diễn chương trình, chị làm thế nào để bà con đồng bào không thấy mình bị đứng ngoài những lễ hội lớn?

Suốt 3 tháng liền, tôi chỉ có nghiên cứu, tìm kiếm chất liệu để tìm ra được một ý tưởng kịch bản với mong muốn tạo ra sự khác biệt lớn. Tôi nhận thấy, trong các chương trình tôn vinh xòe Thái trước đây, khán giả dường như vẫn chưa được hiểu sâu sắc về văn hóa Thái cũng như nguồn gốc của nghệ thuật Xòe Thái, cũng như văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, chưa làm bật lên được câu trả lời vì sao lần đầu tiên điệu múa cổ này của Việt Nam lại được UNESCO tôn vinh? 

Tôi muốn xây dựng một kịch bản để tất cả khán giả, đặc biệt là đồng bào Thái khi xem sẽ thấy mình ở trong đó để thêm tự hào về dân tộc mình, còn đồng bào các dân tộc khác và du khách cũng sẽ thêm tự hào về một sản phẩm văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Chúng tôi vẫn nói với nhau là phải đi đến tận cùng của văn hóa để có thể đưa ra những ý tưởng thật sự khác biệt. Kết quả là lần đầu tiên chúng tôi sẽ thực hiện một vở đại vũ kịch dân gian Tây Bắc, diễn ra trên toàn bộ sân vận động, chứ không gói gọn trên một sân khấu nào cả.

Bởi chúng tôi nghĩ rằng, một cái sân khấu không thể diễn tả đầy đủ câu chuyện về cả một cộng đồng. Và, chúng tôi dùng phần lớn diễn viên là chính bà con, là những nghệ nhân, người dân Thái, người dân Tây Bắc… để kể câu chuyện về cộng đồng của họ, từ cội nguồn nào, từ thực tế đời sống ra sao, từ tình yêu nào, để hình thành nên nghệ thuật xòe Thái – một thứ nghệ thuật thăng hoa từ cuộc sống của họ. Đây sẽ là một cuộc trình diễn xuyên suốt, không có điểm dừng, để khán giả thực sự bị cuốn theo mạch chuyện ấy.

Sân khấu thực cảnh. 

- Điểm nhấn của vở đại vũ kịch dân gian Tây Bắc này sẽ là gì?

Với đồng bào Thái, trải qua bao biến thiên vẫn còn lại hàng vạn trang chữ Thái cổ và những điệu Xòe cổ chính là báu vật của dân tộc Thái, của Tây Bắc và của quốc gia, cuốn hút bao du khách trong và ngoài nước. Lễ vinh danh là cơ hội hiếm hoi và quý giá để quảng bá di sản văn hóa này với đông đảo du khách địa phương, trong nước và quốc tế; đồng thời đây cũng là dịp để khán giả hiểu hơn về nguồn gốc, cội nguồn di sản, sự phong phú đa dạng và những nét đẹp tinh hoa trong bộ môn nghệ thuật cộng đồng này. Vậy nên, tôi đã cố gắng mang tới sự khác biệt, độc đáo, vừa khai thác được sức quyến rũ của nghệ thuật Xòe Thái, vừa tôn vinh giá trị văn hóa tinh hoa của đồng bào dân tộc Thái ở các vùng Tây Bắc, xứng tầm với sự kiện đón bằng ghi danh của UNESCO. 

Chương trình sẽ giống một một thiên sử thi đặc sắc, với liên tiếp những đại cảnh công phu, lộng lẫy và hoành tráng, là sự kết hợp hài hòa giữa bản đại vũ kịch dân gian Tây Bắc và bản giao hưởng của đất trời. Thiên sử thi bằng nghệ thuật đó kể với công chúng về lịch sử, con người, văn hoá, đời sống… của người Thái qua 3 chương:  “Thiên di - Dựng bản, lập mường”;  “Miền Di sản” và chương 3 “Tinh hoa nghệ thuật Xòe”. Với lối kể non- stop (không dừng lại), các chương sẽ như dòng Nậm Thia cuộn chảy không ngừng tái hiện câu chuyện thiên di của 2 anh em Tạo Xuông và Tạo Ngần dựa theo cuốn sử thi “Quan tô mương”, vào khoảng thế kỷ thứ XI về lịch sử hình thành của người Thái ở Tây Bắc, các hoạt cảnh sẽ liên tiếp tái hiện những nét văn hoá độc đáo, đặc sắc nhất của người Thái thông qua hình ảnh người con gái Thái, và từ đây tôn vinh điệu Xoè- di sản phi vật thể văn hoá nhân loại với 2.022 người tham gia màn Đại Xoè.  

Sân khấu biểu diễn của chương trình gồm 2 thành tố: sân khấu chính và sân khấu trung tâm dưới Sân vận động. Sân khấu chính với 3 cấp biểu diễn, lấy hình tượng chủ đạo là hình ảnh Quả Bầu Mẹ - tượng trưng cho ý nghĩa “Bầu ơi thương lấy bí cùng; Tuy rằng khác giống nhưng chung 1 giàn” để nói về một hình tượng đặc trưng của Tây Bắc, cũng là một trong những hình tượng gắn với tích Quả Bầu Tiên và cội nguồn của các dân tộc Việt Nam. Vắt ngang qua quả Bầu mẹ là hình tượng chiếc khăn Piêu thổ cẩm uốn lượn trên sân khấu, nối xuống dưới sàn và chạy quanh sân vận động được làm từ hiệu ứng LED matrix để khi là một con đường, khi lại trở thành dòng suối.

Chúng tôi sẽ dùng nhiều đạo cụ dân tộc, hình thức âm nhạc sẽ là world music và đặc biệt, sẽ có 90% âm nhạc trong chương trình là tiếng Thái, tự viết, do các nghệ nhân và nghệ sĩ biểu diễn. Chương trình có phụ đề tiếng Việt để khán giả hiểu nội dung nghệ thuật và chỉ có hai ca sĩ duy nhất Tùng Dương với Chiếc Khăn Phiêu và Sèn Hoàng Mỹ Lam với Về Yên Bái múa điệu Xoè Hoa là hát bằng tiếng Việt. 

Tôi tin, cách làm này, lối đi mới này sẽ chạm vào cảm xúc của khán giả, đặc biệt là người dân tộc Thái. Chương trình cũng sẽ có sự biểu diễn của 20 nghệ nhân người Thái đến từ các tỉnh. Họ rất nổi tiếng trong cộng đồng người Thái. Nếu làm phép so sánh thì họ nổi tiếng như Tùng Dương vậy.

Đạo diễn Lê Hải Yến.

Tham gia biểu diễn trong chương trình là gần 3.000 diễn viên, trong đó, diễn viên quần chúng tham gia màn Đại Xòe lên tới 2022 bà con dân tộc Thái,...chị gặp khó khăn gì?

Với một chương trình tôn vinh di sản mang tính cộng đồng như Xoè Thái, chúng tôi không thể làm ở trong nhà mà phải thực hiện ngoài trời. Đó cũng là một khó khăn. Hơn nữa, với chương trình này, chỉ có sân khấu ở sân vận động mới đủ không gian để thực hiện ý đồ nghệ thuật của chúng tôi. Trong quá trình làm, chúng tôi nhận được một bức tâm thư của thầy giáo người Thái. Anh ấy nói, với các chương trình đã từng làm, xem xong, đồng bào không thấy bóng dáng dân tộc mình trong đó, câu chuyện của mình trong đó vì được kể bằng ngôn ngữ của một dân tộc khác.

Để hiểu được đến tận cùng văn hoá, con người Tây Bắc với tham vọng xây dựng một chương trình để mỗi người Thái, người Tây Bắc thấy mình ở trong đó, tôi và ekip là nhạc sĩ Mạnh Tiến, Phạm Khánh Băng đảm nhiệm phần âm nhạc, tổng biên đạo múa-  NSƯT Thanh Hằng… đã tích luỹ kiến thức, sự tìm tòi, nghiên cứu từ trong chính dân gian, trong đời sống người Thái và người Tây Bắc từ nhiều năm nay.

Sự nỗ lực của 3.000 con người mới là điều đáng ghi nhận. Với quá trình tập luyện nghiêm túc, khán giả sẽ không nhận ra sự khác biệt giữa diễn viên chuyên nghiệp và nghiệp dư. Đồng bào cũng rất hào hứng tham gia tập luyện để biểu diễn trong chương trình. Họ tự may quần áo biểu diễn. Các em nhỏ thì đi tập với đôi chân trần làm chúng tôi rất thương và xúc động. 

Mặc dù rất nhiều áp lực nhưng chúng tôi tin tưởng sẽ làm được những điều hơn cả một Lễ hội, đó là truyền đi một tình yêu, một niềm tự hào với Xòe, với văn hóa Tây Bắc đến với người dân khắp nơi trên thế giới.

Trailer chương trình: