Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Khước cho biết, tỉnh này ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão và áp thấp nhiệt đới, nhưng do nằm ở phía Tây Nam của dãy núi Tam Đảo nên Vĩnh Phúc là một trong những tâm mưa lớn của cả nước.
Năm 2022, các đợt mưa lớn cuối tháng 5 và mưa lớn do hoàn lưu bão số 2, bão số 3 đã làm 7 người chết, thiệt hại trên 16.000ha lúa, hoa màu, thủy sản; làm ngập úng cục bộ nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh, thiệt hại trên 850 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, thiên tai chưa gây ảnh hưởng nhiều đến địa bàn tỉnh, tuy nhiên trận mưa dông kèm theo lốc, sét đầu tháng 5 đã gây một số thiệt hại về nhà ở, hoa màu tại huyện Tam Đảo và Bình Xuyên khoảng gần 2 tỷ đồng.
Đặc biệt, những năm qua, công tác phòng chống thiên tai luôn được Vĩnh Phúc đặt lên hàng đầu, tỉnh đã chủ động đầu tư, tu bổ, đảm bảo an toàn các hồ chứa nước, an toàn đê điều; thường xuyên tổ chức các cuộc diễn tập Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tại các huyện, thành phố.
Trong vòng 15 năm qua, Vĩnh Phúc đã phải chịu nhiều loại hình thiên tai nguy hiểm như: Hoàn lưu bão, ngập lụt nội đồng, hạn hán, lốc, sét, rét đậm, rét hại. Trong đó, có các loại hình thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng như: Không khí lạnh gây mưa lớn, ngập úng cuối tháng 10/2008; bão gây mưa lớn, ngập úng nội đồng các năm 2012, 2013, 2016, 2017, 2022; giông lốc làm sập xưởng gỗ; đặc biệt đợt mưa lớn lịch sử, trái mùa cuối tháng 5/2022, gây tổng thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng.
Trước diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường của các hiện tượng thời tiết cực đoan, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều giải pháp, phương án phòng chống thiên tai, ứng phó kịp thời với mọi tình huống, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân.
Theo đó, để chủ động trước mọi tình huống do mưa lớn có thể xảy ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Vĩnh Phúc đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, thông tin kịp thời tới người dân; sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời khi có các tình huống thiên tai.
Tại các tràn thường xuyên bị ngập sâu, chảy xiết gây nguy hiểm như tràn Km 8+700 ĐT 302B (Bình Xuyên), tràn Công Nông Binh trên ĐT.310C (Tam Đảo), tràn Km12+600 trên ĐT.301 (Phúc Yên) Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các Đội cảnh sát giao thông các huyện và chính quyền địa phương tổ chức rào chắn, cảnh báo, trực gác phân luồng để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến.
Để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, TKCN trong mùa mưa bão năm 2023 và những năm tiếp theo, vừa qua, huyện Vĩnh Tường đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn luyện tập, diễn tập ứng phó với bão lụt, TKCN và được đánh giá đạt kết quả xuất sắc.
Cuộc diễn tập diễn ra với tình huống giả định: Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hoàn lưu bão số 1 khiến các tỉnh Đông Bắc bộ và trung du, miền núi phía Bắc mưa to đến rất to kèm dông lốc, gió giật mạnh.
Tại xã Ngũ Kiên nói riêng và huyện Vĩnh Tường nói chung, một số nhà dân bị đổ, nhiều tuyến giao thông bị chia cắt, mực nước Sông Hồng dâng cao ở mức báo động 3, có nguy cơ tràn qua đê tả Sông Hồng gây ngập úng diện rộng.
Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện họp nhận định, đánh giá tình hình, bàn cách xử trí tình huống sự cố và cứu hộ, cứu nạn do thiên tai gây ra.
Về diễn tập phần thực binh, chỉ đạo lực lượng tại chỗ khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, thực hành sơ tán nhân dân thôn Ven, xã Ngũ Kiên ra khỏi khu vực nguy hiểm; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cứu sập, giúp nhân dân khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Cuộc diễn tập đã diễn ra theo đúng trình tự, nội dung, kế hoạch; các tình huống sát với tình hình thực tế tại địa phương và tại thời điểm tổ chức diễn tập.
Điều này khẳng định sự chủ động, nâng cao khả năng hiệp đồng trong công tác phòng, chống các hiểm họa do thiên tai trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong công tác ứng phó với bão lụt và TKCN.
Tam Đảo là địa phương có hệ thống suối, luồng tiêu phức tạp, khi lượng nước đổ về nhanh, nguy cơ mất an toàn về người và tài sản rất lớn. Để hạn chế những thiệt hại do mưa bão gây ra, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch, phương án, sẵn sàng ứng phó và xử lý các tình huống thiên tai, sự cố; bảo đảm an toàn hệ thống hồ, đập, nhất là 5 hồ chứa có dung tích lớn là Xạ Hương, Bản Long, Làng Hà, Đồng Mỏ và Vĩnh Thành.
Theo ông Chu Văn Sáu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đảo, thực hiện phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả, trong đó lấy phòng, tránh là chính”, thời gian tới, huyện Tam Đảo luôn chú trọng nâng cao năng lực phòng ngừa sức chống chịu trước thiên tai, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và các hình thái thiên tai cực đoan, nhất là năng lực dự báo, cảnh báo, chỉ huy ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, truyền thông, giáo dục, thực thi pháp luật phòng chống thiên tai; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, chủ động, hiệu quả.
Với phương châm 4 tại chỗ “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả”, ngay từ đầu năm, huyện Yên Lạc đã kiện toàn Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên.
Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố có thể xảy ra; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là tại các xã ven đê hay xảy ra ngập úng như: Hồng Phương, Hồng Châu, Trung Hà.
Sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống bão lũ gây ra, huyện Yên Lạc đã huy động lực lượng cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị; yêu cầu mỗi xã, thị trấn thành lập 1 đội xung kích với hơn 100 người tham gia làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; lập các đội giao thông hỏa tốc từ 3-4 người, có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc đến các thôn, xóm trong các tình huống thiên tai xảy ra; thành lập đội gác điếm canh đê tại xã có đê; trang bị đầy đủ vật tư phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn như: Bao tải, cuốc, xẻng, dao dựa, xà beng…
Đặc biệt, huyện Yên Lạc đã thiết lập hệ thống thông tin liên lạc bảo đảm an toàn, thông suốt trong mọi tình huống giữa Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện với các cụm phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các xã, thị trấn.
Cùng với đó, khai thác hiệu quả hệ thống mạng internet, facebook, zalo, cài đặt App phòng chống thiên tai; đẩy mạnh truyền thông trên Cổng thông tin giao tiếp điện tử huyện về các chỉ thị, công điện, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và cập nhật diễn biến mới nhất về thời tiết để kịp thời có biện pháp ứng phó.
Cùng với đó, về vấn đề ứng phó với thiên tai, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, đặc biệt tại tuyến đê tả Sông Hồng, ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Chi cục Thủy lợi chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời các sự cố tại các trọng điểm xung yếu.
Chuẩn bị các phương án và vật tư, sẵn sàng xử lý theo phương châm 4 tại chỗ, bảo đảm thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời diễn biến của sự cố. Thực hiện phát quang mái đê, chân đê, thu gom rác trong phạm vi bảo vệ đê điều, phục vụ công tác tuần tra canh gác đê.
UBND các huyện, thành phố có đê tăng cường quán triệt, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các phường, xã ven đê tổ chức lực lượng và thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ.
Tại gói thầu xây dựng tuyến kênh xả tạm bơm Ngũ Kiên, gói thầu xây dựng tuyến kênh xả trạm bơm Nguyệt Đức thuộc Dự án quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh, đề nghị chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát, đơn vị thi công thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng thi công dự án, lập tiến độ thi công chi tiết từng tuần, từng giai đoạn theo đúng cam kết, nhất là có phương án bảo đảm an toàn lao động, an toàn giao thông, không gây ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân.
Để chủ động ứng phó với mọi diễn biến của thời tiết, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2023.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, thiên tai, cung cấp kịp thời chính xác số liệu khí tượng thủy văn cho Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai cho nhân dân và lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai các cấp. Các công ty thủy lợi chủ trì, phối hợp với các huyện, thành phố xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các hồ chứa; tiến hành nạo vét, tháo dỡ các vật cản trên hệ thống sông tiêu, luồng tiêu, trục tiêu theo phân cấp quản lý.
Riêng đối với các dự án nạo vét luồng tiêu cần đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhất là là trên địa bàn thành phố Phúc Yên, Vĩnh Yên và huyện Tam Đảo…Đồng thời, nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn, chú trọng công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn.
Để chủ động các phương án, kịp thời ứng phó với thiên tai, ngay từ đầu năm, tỉnh đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT&TKCN các cấp; xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai; hiệp đồng giữa các lực lượng, bổ sung vật tư, trang thiết bị, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng phòng, chống thiên tai; mua sắm trang thiết bị, công cụ hỗ trợ để nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo trong công tác PCTT &TKCN trên địa bàn.
Cùng với đó, tỉnh chú trọng tăng cường các biện pháp, phương thức thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các loại hình thiên tai, kinh nghiệm ứng phó và cách phòng tránh đảm bảo thông tin phù hợp, đến được cơ sở, người dân. Tổ chức tập huấn, diễn tập về ứng phó lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, diễn tập ứng phó cháy rừng và bảo vệ rừng.
Năm 2022, tỉnh đã đầu tư nâng cấp các công trình PCTT với tổng kinh phí trên 750 tỷ đồng. Hiện nay, 136 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã xây dựng lực lượng xung kích trên 11.000 người tham gia, đây là lực lượng quan trọng để ứng phó giờ đầu khi có sự cố thiên tai tại cơ sở.
Để tiếp tục chủ động công tác phòng tránh, ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn tỉnh tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 10/5/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đê điều năm 2022; thực hiện, triển khai có hiệu quả các nội dung đã được UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, giao nhiệm vụ. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh chủ động triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ được giao.
Tiếp tục chỉ đạo rà soát tất cả các văn bản, nội dung liên quan để phân công trách nhiệm cụ thể trong việc triển khai công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đối với ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách,…Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, rà soát, kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN đảm bảo công tác điều hành, chỉ huy được hiệu lực, hiệu quả theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
UBND tỉnh giao Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Tỉnh đoàn nghiên cứu thành lập lực lượng thanh niên xung kích (cấp tỉnh, cấp huyện,…) và chuẩn bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị bảo đảm sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khi có yêu cầu.
Sở Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, lắp đặt hệ thống biển cảnh báo, hướng dẫn di chuyển tại các điểm thường xuyên ngập úng khi có mưa lũ; bố trí lực lượng phương tiện phối hợp với Công an tỉnh phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ người dân đi lại an toàn.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các Công ty TNHH MTV thủy lợi và các đơn vị liên quan triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống đê điều, hồ đập; rà soát phương án ứng phó với cấp độ rủi ro thiên tai để hoàn thiện các kịch bản ứng phó với các tình huống khẩn cấp về thiên tai phù hợp với tình hình thực tế. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong việc xây dựng phương án sơ tán người dân và tài sản ở khu vực hạ du các hồ chứa đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra.
UBND các huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng trên địa bàn để có kế hoạch, phương án sơ tán người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Đối với các điểm thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ khi có mưa lũ, UBND tỉnh giao UBND các xã, phường, thị trấn thành lập đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn do 1 đồng chí lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo để xây dựng phương án phong tỏa, cảnh báo, cấm đường, không để người dân đi qua khu vực nguy hiểm.
Đồng thời, sẵn sàng tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố; đảm bảo các điều kiện cần thiết để kịp thời hỗ trợ người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng.