Chủ trương lấy công nghiệp làm nền tảng, với nhiều giải pháp đột phá, Vĩnh Phúc đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế động lực của Bắc bộ và cả nước.
Công nghiệp là nền tảng phát triển kinh tế
Từ một tỉnh thuần nông, phải dựa chủ yếu vào ngân sách Trung ương, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong số ít tỉnh, thành có công nghiệp phát triển, có điều tiết về ngân sách Trung ương với tổng thu đạt trên 32.500 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2018, chỉ số phát triển công nghiệp của tỉnh tăng gần 15,8%; giá trị tăng thêm toàn ngành đạt 27.200 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ.
Trong đó, các ngành công nghiệp mũi nhọn có mức tăng trưởng khá cao như: Sản xuất linh kiện điện tử tăng 24,38%; sản xuất xe có động cơ tăng 24,77%; sản xuất phương tiện vận tải tăng gần 10,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Xác định công nghiệp là động lực cho phát triển, Vĩnh Phúc đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng các khu công nghiệp, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng lớn, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường. Từ một tỉnh có cơ sở hạ tầng nghèo nàn, đến Vĩnh Phúc ngày nay, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp... mọc lên san sát bên các trục đường khang trang.
Theo Ban Quản các Khu công nghiệp Vĩnh Phúc, tỉnh hiện có 18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với quy mô 5.228ha, trong đó đã có 11 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích quy hoạch 2.323,94ha; tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp đã giải phóng mặt bằng đạt 72,09%.
Doanh nghiệp trong các khu công nghiệp đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm cho 82.000 lao động; lao động phổ thông của doanh nghiệp FDI có thu nhập bình quân từ 6 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Tạo mọi điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, hút FDI
Một lý do quan trọng giúp sản xuất công nghiệp của Vĩnh Phúc tăng trưởng là nhờ hiệu ứng của các chính sách, giải pháp kinh tế. Thời gian qua, Vĩnh Phúc nỗ lực cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, trọng tâm là thuế, hải quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp.
Tiêu biểu là việc vận hành hiệu quả đường dây nóng tiếp nhận và xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp; phát huy hiệu quả chương trình “Lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ doanh nhân hàng tuần”, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi…
Nhờ vậy các doanh nghiệp trên địa bàn không ngừng tăng trưởng. Chỉ tính riêng dòng vốn FDI lũy kế đến hết tháng 9/2018, toàn tỉnh có 154 lượt dự án đăng ký tăng vốn với số vốn tăng 966 triệu USD, bằng 47% số vốn đầu tư đăng ký cấp mới. Trong 9 tháng đầu năm, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp chiếm 50% - 55% tổng giá trị sản xuất công nghiệp; 60-65% giá trị kim ngạch xuất khẩu; đóng góp 30-35% tổng thu ngân sách toàn tỉnh…
Đặc biệt, Vĩnh Phúc chú trọng cải thiện môi trường đầu tư với phương châm: “Tất cả các nhà đầu tư vào Vĩnh Phúc đều là công dân Vĩnh Phúc"; "Thành công của doanh nghiệp chính là thành công và niềm tự hào của tỉnh”.
Từ năm 2014 tỉnh đã xây dựng chương trình và ban hành kế hoạch xúc tiến đầu tư từng năm theo quy định của Chính phủ, triển khai thống nhất các hoạt động xúc tiến đầu tư. Bên cạnh đó giải pháp mới được thực hiện là ưu tiên xúc tiến đầu tư tại chỗ, tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư đang thực hiện dự án tại tỉnh; hướng tới các đối tác tiềm năng, các nhà đầu tư lớn, các nước có nền công nghiệp phát triển.
Các chính sách thông thoáng, hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư đã giúp Vĩnh Phúc trở thành “bến đỗ” của nhiều tập đoàn nước ngoài như Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản), Piaggio (Italia), De Hus (Hà Lan), Patron Vina, Heasung Vina, Bangjoo, Cammsys (Hàn Quốc), SCG (Thái Lan) và các tập đoàn lớn trong nước như Vin Group, Sun Group, FLC, Bitexco…
Dòng vốn FDI vào Vĩnh Phúc tăng dần, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển, tạo "sức bật" cho công nghiệp phát triển. Nếu năm 1998, Vĩnh Phúc chỉ có 8 dự án FDI thì đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 255 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 3,75 tỷ USD. Đến hết tháng 8/2018, Vĩnh Phúc có 305 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 4,3 tỷ USD.
Vài năm trở lại đây, Vĩnh Phúc có bước nhảy vọt trên bảng xếp hạng PCI từ vị trí 43 (năm 2012), luôn nằm trong top 10 trong 3 năm gần đây.
Trở thành trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ
Với sự quyết tâm và những chiến lược cụ thể, Vĩnh Phúc đã và đang hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm phát triển công nghiệp và dịch vụ của cả nước. Từ nay đến năm 2020, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đưa công nghiệp trở thành động lực cho sự phát triển của tỉnh, đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 6,5 - 7,0% mỗi năm.
Trong đó tỉnh tập trung mở rộng sản xuất và tăng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực như ô tô, xe máy; Khuyến khích phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, xe máy, điện tử, tin học, dệt may, da giày...Từng bước phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao như điện tử gia dụng (điện thoại, máy điều hòa không khí, ti vi, tủ lạnh, máy giặt…). Ðồng thời đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghệ cao của vùng.
Với đường hướng đúng đắn, cách làm đột phá, sáng tạo, tin tưởng rằng lĩnh vực công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần đưa kinh tế Vĩnh Phúc trở thành một trong những địa phương đứng đầu khu vực miền Bắc và cả nước.
Ngọc Hân