Vĩnh Phúc có vị trí địa lý gần Thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch được thiên nhiên ban tặng với Vườn Quốc gia Tam Đảo, Khu nghỉ mát Tam Đảo, Đại Lải, Đầm Vạc, quần thể Khu danh thắng Tây Thiên cùng hệ thống di tích lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, văn hóa phi vật thể... lĩnh vực dịch vụ du lịch của tỉnh Vĩnh Phúc trong những năm qua đã có sự phát triển vượt bậc.
Trong Chiến lược phát triển du lịch Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái gắn với vui chơi giải trí cùng với du lịch văn hóa, tâm linh và du lịch dịch vụ phục vụ hội thảo, kết hợp tham quan, học tập kinh nghiệm được xác định là 3 trụ cột chính tạo động lực cho sự phát triển bền vững du lịch của tỉnh. Chủ trương của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay là đẩy mạnh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng mới các khu dịch vụ phức hợp, dự án du lịch quy mô nhằm tạo sức lan tỏa.
Bên cạnh việc đem lại các giá về trị kinh tế, du lịch còn có sự ảnh hưởng không nhỏ đến các yếu tố về văn hóa và lịch sử... Do vậy, ngoài đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, Vĩnh Phúc luôn chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Ðây là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng thương hiệu và phát triển du lịch bền vững.
Chất lượng hoạt động du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó chất lượng nguồn nhân lực giữ vai trò quan trọng. Từ đầu năm đến nay, bên cạnh triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn, chung tay ngăn chặn dịch bệnh, ngành du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã từng bước tính toán cơ cấu lại thị trường và tập trung phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ðây cũng là sự chuẩn bị cần thiết để sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch một cách bền vững, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Ví dụ, đội ngũ hướng dẫn viên, thuyết minh viên du lịch là lực lượng nòng cốt, là “bộ mặt” của ngành du lịch, bởi họ là người đầu tiên tiếp cận và có thời gian tiếp xúc với du khách nhiều nhất tại các điểm du lịch.
Phần lớn, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn đều ưu tiên sử dụng lao động địa phương. Nhiều đơn vị, nhất là doanh nghiệp có tên tuổi đa số tuyển dụng lao động đã qua đào tạo, tuy nhiên quá trình làm việc vẫn chú trọng công tác đào tạo lại dưới nhiều hình thức khác nhau. Do đó, ngành du lịch tỉnh cũng quan tâm đến việc thu hút nguồn nhân lực từ các địa phương khác với chính sách, cơ chế tốt. Tăng cường đào tạo, tuyển dụng nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu nguồn lao động trong lĩnh vực du lịch cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, tỉnh đã đa dạng hóa các hình thức đào tạo, tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và có cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành du lịch hiện nay.
Bên cạnh việc bồi dưỡng chất lượng đội ngũ hướng dẫn, thuyết minh viên thông qua các khóa học nâng cao trong và ngoài tỉnh, hàng năm, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng mở nhiều lớp bồi dưỡng, tập huấn cho các đối tượng làm trong lĩnh vực du lịch để nâng cao chất lượng một cách đồng bộ và toàn diện.
Gần đây nhất, trong 2 ngày 15 - 16/09/2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch cho gần 200 học viên là cán bộ quản lý, công nhân viên đang làm việc tại các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian diễn ra tập huấn, các học viên được giảng viên Nguyễn Thị Thúy Hằng đến từ Trường Đại học Hà Nội cung cấp các kiến thức đào tạo nghiệp vụ quản lý khách sạn vừa và nhỏ theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam kết hợp với tình hình thực tế tại đơn vị. Cụ thể như: Tổng quan về kinh doanh khách sạn; quản trị các yếu tố trong hoạt động kinh doanh khách sạn; điều hành hoạt động kinh doanh lưu trú, hoạt động kinh doanh ăn uống và các dịch vụ bổ sung; các kỹ năng bổ trợ cho công tác quản lý… Từ đó giúp học viên có nền tảng vững chắc để tác nghiệp, tiến tới nâng cao nghiệp vụ, đáp ứng tốt nhu cầu của khách và nâng cao hiệu quả hoạt động tại đơn vị. Kết thúc khoá học, các học viên được cấp giấy chứng nhận.
Bà Trần Thị Minh Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, trong những năm qua, du lịch Vĩnh Phúc có bước phát triển khởi sắc về cơ sở hạ tầng cũng như lượng khách và doanh thu du lịch; số lao động trong ngành du lịch tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, qua thời điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, hầu hết các cơ sở lưu trú, kinh doanh dịch vụ bị ảnh hưởng trầm trọng. Nguồn nhân lực cũng suy giảm, nhiều đơn vị không đủ người để tổ chức hoạt động kinh doanh trở lại. Để từng bước khắc phục hạn chế trên, lớp tập huấn với mục tiêu trang bị và nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý khách sạn cho các học viên cả về lý thiết và thực tiễn để áp dụng vào quá trình quản lý, kinh doanh lưu trú, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Vĩnh Phúc trong thời gian tới…
Việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh những năm gần đây đã và đang đem lại nhiều kết quả tích cực. Tính chuyên nghiệp đang được thể hiện khá rõ nét, từ phong cách phục vụ của người lái xe, đến những nhà quản lý, hướng dẫn viên và lễ tân nhà hàng, khách sạn...
Quỳnh Nga