Mũi nhọn phát triển kinh tế

Với tiềm năng, thế mạnh về du lịch, Vĩnh Phúc đang nỗ lực phát huy đưa du lịch trở thành một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế - xã hội theo ba hướng chính: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị, hội thảo.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều làng nghề truyền thống được công nhận như: mật ong, ba kích (Tam Đảo), mây tre đan Triệu Đề (huyện Lập Thạch), gốm Hương Canh (thị trấn Bình Xuyên), các sản phẩm từ rắn của Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường)... Các làng nghề truyền thống đã tạo ra nhiều loại sản phẩm thủ công độc đáo thu hút nhiều khách du lịch.

Du khách đến tham quan Khu du lịch tâm linh Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Ảnh: VietNamNet.

Có thể thấy, sự thuận lợi về vị trí địa lý, đa dạng phong phú về điều kiện tự nhiên - văn hóa - xã hội, cũng như sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng đã giúp Vĩnh Phúc có nền tảng và cơ hội để phát triển mạnh về du lịch. 

Lượt khách du lịch quốc tế đến với Vĩnh Phúc tăng mạnh từ 22.34 lượt năm 2011 lên 43.500 lượt năm 2019. Riêng năm 2020, lượng khách quốc tế giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19. Trong giai đoạn 2011 - 2019, khách nội địa đến Vĩnh Phúc tăng gấp 6 lần.

Sáu tháng đầu năm 2022, lĩnh vực dịch vụ du lịch của tỉnh có những dấu hiệu khởi sắc. Tổng số lượt khách đến tham quan du lịch ước đạt hơn 4,2 triệu lượt khách, tăng 109,7% cùng kỳ. Doanh thu du lịch ước tăng 93,3% so cùng kỳ. Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước tăng 22,51% so với cùng kỳ năm trước.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho du lịch, góp phần phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân, lãnh đạo các cấp ở Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư phát triển toàn diện lĩnh vực này với những giải pháp đồng bộ. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch liên tục được đầu tư, nâng cấp.

Về cơ bản, mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch đã được hoàn thiện và thường xuyên bảo trì, sửa chữa nhằm hạn chế các sự cố và tình trạng tắc nghẽn vào mùa cao điểm.

Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển đa dạng các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, du lịch văn hóa... Trong đó, du lịch nghỉ dưỡng vào các ngày cuối tuần và du lịch lễ hội là hai loại hình thu hút được nhiều du khách nhất.

Ngoài ra, một số tour, tuyến du lịch dù mới được đưa vào khai thác nhưng đã nhận được nhiều sự chú ý của du khách, đặc biệt là thanh niên và khách du lịch ngoại quốc như tour du lịch chinh phục ba đỉnh Tam Đảo trong một ngày, tham quan và trải nghiệm ở Khu sinh thái vườn cò Hải Lựu, tham quan các làng nghề truyền thống…

Công tác quản lý và chính sách thu hút đầu tư cũng thể hiện sự chú trọng của lãnh đạo tỉnh đối với ngành du lịch. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua nhiều dự án quy hoạch lớn như quy hoạch Khu du lịch Tam Đảo, quy hoạch chung xây dựng phát triển du lịch, dịch vụ khu vực chân núi Tam Đảo…

Tỉnh chủ trương cải thiện chính sách và thủ tục hành chính theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn để tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi. Khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận, nhất là những địa phương có ngành du lịch phát triển để xây dựng những tour du lịch nội địa hấp dẫn du khách.

Đồng thời, việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông ở các điểm du lịch cũng được chỉ đạo sát sao nhằm dẹp bỏ các tệ nạn và việc buôn bán kinh doanh trục lợi làm ảnh hưởng đến khách du lịch và danh tiếng của ngành du lịch tỉnh. Để nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn, tỉnh chủ trương tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực làm du lịch, nhất là hướng dẫn viên và người dân sinh sống tại các điểm tham quan.

Lãnh đạo các cấp ở Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch tạo sự thuận tiện cho khách du lịch mỗi khi di chuyển. Đồng thời thường xuyên bảo trì, sửa chữa nhằm hạn chế các sự cố và tình trạng tắc nghẽn vào mùa cao điểm. Các hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, mạng internet cũng được lắp đặt, phủ sóng ở các khu vực miền núi để đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư, phát triển khu, điểm du lịch. Cùng với đó tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh. Khuyến khích các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch tăng cường đào tạo và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng. Tích cực xây dựng các tour du lịch có sức thu hút, hấp dẫn khách du lịch đến Vĩnh Phúc.

Đối mặt thách thức

Mặc dù có nhiều tiềm năng thu hút khách du lịch, song Vĩnh Phúc cũng đang phải đối diện với những thách thức để cạnh tranh với các các địa phương khác. Đồng thời, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp cũng ảnh hưởng lớn đến du lịch của Vĩnh Phúc.

Ngoài ra, du lịch Vĩnh Phúc vẫn bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời vụ, lượng khách tập trung chủ yếu vào các tháng đầu năm, dịp lễ hội, mùa hè và tham quan trong ngày. Bên cạnh đó, khách du lịch chi tiêu cho hoạt động du lịch tại Vĩnh Phúc còn thấp.

Bên cạnh ưu tiên nguồn lực để phát triển hạ tầng, Vĩnh Phúc sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư. Ảnh: Vĩnh Phúc.

Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề đem lại giá trị kinh tế lớn, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, các sản phẩm du lịch, chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các làng nghề còn yếu kém. Đây là vấn đề đặt ra với các cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch.

Tỉnh nhận thức rõ những hạn chế còn tồn tại như: Sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của địa phương chưa phong phú, một số loại hình du lịch chưa tạo được dấu ấn độc đáo để giữ chân du khách lưu trú trong thời gian dài và tăng mức chi tiêu dùng của khách du lịch…

Thời gian tới, để khắc phục những điểm yếu, đối mặt thách thức, Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục nghiên cứu, cơ cấu lại ngành du lịch nhằm đảm bảo sự phát triển song song giữa việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn và việc bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hoá cũng như bảo vệ tài nguyên và môi trường. Qua đó, kiến tạo một môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và phát triển bền vững.

Bên cạnh ưu tiên nguồn lực phát triển hạ tầng cơ sở, mạng lưới giao thông, Vĩnh Phúc sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư và tiếp tục xúc tiến hoạt động quảng bá, hợp tác du lịch để ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế biết tới và lựa chọn Vĩnh Phúc như một điểm đến không thể bỏ qua khi tới Việt Nam.

Tỉnh cũng khuyến khích nghệ nhân, thợ thủ công ở các làng nghề thiết kế, sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ và các sản phẩm lưu niệm để phục vụ nhu cầu của du khách, vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa quảng bá hình ảnh của địa phương. Việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường, đào tạo nhân lực làm việc trong lĩnh vực dịch vụ du lịch… được coi là những hoạt động cần thiết để phát triển loại hình này theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Đồng thời tỉnh sẽ khai thác tốt các tuyến, điểm du lịch nội tỉnh; kết nối du lịch với các tỉnh lân cận, liên kết mạnh hơn, chặt chẽ hơn với các tỉnh này để xúc tiến phát triển du lịch.

Tuyết Nhung, Lan Anh, Trần Sâm, Duy Linh