Là một trong những trung tâm công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm nâng cao giá trị gia tăng, mở rộng chuỗi cung ứng và thu hút nguồn vốn đầu tư chiến lược. Với những chính sách định hướng rõ ràng và sự nỗ lực không ngừng, tỉnh đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy và linh kiện điện tử hàng đầu Việt Nam.
Giai đoạn 2021–2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc đạt mức tăng trưởng ấn tượng, trung bình 13%/năm. Đóng vai trò trụ cột kinh tế, ngành công nghiệp chiếm gần 45% tổng cơ cấu kinh tế của tỉnh, với phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 9.500 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó khoảng 400 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cho các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Panasonic đang tăng lên, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Trong ngành ô tô và xe máy, những “đầu tàu” như Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piaggio Việt Nam, và Daewoo Bus không chỉ đóng góp lớn về sản lượng mà còn tạo động lực phát triển cho hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ tại địa phương.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Vĩnh Phúc đã dần khẳng định vai trò quan trọng, không chỉ trong việc cung cấp linh kiện, phụ tùng mà còn thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp chế tạo và lắp ráp. Đặc biệt, ngành sản xuất linh kiện điện tử tại tỉnh đã vươn lên vị trí thứ 6 cả nước, sau các trung tâm lớn như TP.HCM, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang.
Nhận thức được vai trò quan trọng của công nghiệp hỗ trợ, tỉnh Vĩnh Phúc đã triển khai hàng loạt chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp. Nghị quyết 57 của HĐND tỉnh, cùng các quyết định như Quyết định 39, Quyết định 23 và chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021–2025, đã tạo khung pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Với mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 50 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn trở thành nhà cung ứng cấp 1, cấp 2 cho các tập đoàn lớn, tỉnh đã bố trí hơn 94,7 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ. Các chính sách này tập trung vào việc nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ, và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, tỉnh cũng khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và phát triển sản phẩm xuất khẩu.
Ngoài ra, Vĩnh Phúc đã tích cực kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các tập đoàn lớn thông qua các chương trình xúc tiến đầu tư, hợp tác với các tổ chức quốc tế như USAID. Đề án “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp hỗ trợ liên kết doanh nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp FDI” do Bộ Công Thương phối hợp thực hiện cũng là một trong những bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy sự gắn kết trong chuỗi cung ứng.
Thách thức và hướng đi mới
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, công nghiệp hỗ trợ tại Vĩnh Phúc vẫn còn một số hạn chế. Phần lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực này là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản phẩm chủ yếu phục vụ thị trường nội địa và chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các tập đoàn lớn.
Hai doanh nghiệp dẫn đầu là Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam vẫn phải nhập khẩu lượng lớn linh kiện để phục vụ sản xuất, cho thấy năng lực sản xuất nội địa còn hạn chế. Ngoài ra, các nguyên vật liệu đầu vào như sắt, thép, nhựa kỹ thuật, kim loại màu cũng phần lớn phải nhập khẩu, làm tăng chi phí sản xuất và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm.
Trong bối cảnh đó, việc nâng cao trình độ công nghệ, cải tiến quản trị và tăng cường đào tạo nhân lực là những yếu tố then chốt để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại Vĩnh Phúc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Quy hoạch phát triển tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh định hướng trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh tập trung phát triển bốn nhóm ngành công nghiệp chủ lực, trong đó công nghiệp hỗ trợ được xác định là nền tảng quan trọng.
Cụ thể, Vĩnh Phúc sẽ ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sản xuất linh kiện, phụ tùng cho các ngành ô tô, xe máy, điện tử, đồng thời đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm công nghiệp phục vụ xuất khẩu. Các hoạt động xúc tiến đầu tư, hội chợ triển lãm và kết nối doanh nghiệp sẽ tiếp tục được triển khai để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp. Hệ thống Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh cũng sẽ được nâng cao hiệu quả hoạt động, kịp thời hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.
Với những nỗ lực đồng bộ trong cải cách chính sách, đầu tư hạ tầng và liên kết doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hỗ trợ hàng đầu cả nước. Công nghiệp hỗ trợ không chỉ là động lực thúc đẩy kinh tế địa phương mà còn là chìa khóa để tỉnh hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.
Minh Linh