Trong thành quả kéo giảm tai nạn giao thông chung của cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong những điểm sáng về công tác tuyên truyền đảm bảo  trật tự an toàn giao thông.

Xác định công tác tuyên truyền là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương tập trung đổi mới nội dung, đa dạng hình thức, từng bước đưa công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Hoạt động tuyên truyền có vai trò lớn trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. 

Vì vậy, ngay từ đầu năm, công tác tuyên truyền phổ biến và giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông được Ban An toàn giao thông tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo và phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tỉnh như các sở ban ngành, Ban An toàn giao thôngcác huyện, thành phố, đặc biệt các cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức đoàn thể duy trì, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Các cơ quan thông tin đại chúng đã thường xuyên đăng tải các văn bản của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Báo Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp với các ngành tuyên truyền đều đặn, kịp thời. Đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền như tuyên truyền trực quan bằng hệ thống băng zôn, pa nô, áp phích, khẩu hiệu; tuyên truyền bằng xe lưu động; tổ chức các hội nghị, hoạt động tuyên truyền, nói chuyện về an toàn giao thông tại các trường học, khu dân cư, nhà máy, doanh nghiệp.

Đến nay, các lực lượng chức năng, các địa phương đã tổ chức được gần 150 buổi tuyên truyền trực tiếp pháp luật về trật tự an toàn giao thông, các chuyên đề xử lý vi phạm an toàn giao thông cho gần 150 trường học, doanh nghiệp, khu dân cư với hơn 40 nghìn người tham dự.

Ban An toàn giao thông tỉnh đã tổ chức rà soát, tuyên truyền, ký cam kết đối với 30.384 tổ chức, cá nhân cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, không tụ tập lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép, gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông. Vận động, ký cam kết đối với 1.102 nhà hàng, quán ăn yêu cầu nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện giao thông khi đã sử dụng rượu bia.

Tuyên truyền, vận động 322 doanh nghiệp, 193 nhà máy, 491 kho cảng, chủ bến bãi, 248 xưởng sửa chữa ô tô, xưởng cơ khí và 4.303 lượt cá nhân chở hàng hóa đúng trọng tải thiết kế của xe, không cơi nới thành thùng xe, tháo, cắt thùng xe trở về đúng thiết kế đã được phê duyệt.

Tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông trên đường thủy nội địa, không xếp hàng vượt quá trọng lượng cho phép của phương tiện đối với 73 lượt bến thủy nội địa, bến khách ngang sông và 224 phương tiện thủy.

Phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa đến 6.356 lượt chủ tàu, lái tàu, người và phương tiện tham gia giao thông. Tổ chức 138 buổi tuyên truyền trực tiếp pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, kết quả thực hiện các chuyên đề xử lý vi phạm tại 65 trường học, 34 công ty, 22 hội nghị và 16 khu dân cư với 40.025 người tham dự. Phát 650 tờ rơi tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông, hướng dẫn kỹ năng tham gia giao thông, điều khiển xe trên đường đèo dốc an toàn (Tam Đảo).

Hoạt động tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Phúc thời gian qua được triển khai ngày càng thiết thực, hiệu quả.

Đồng thời, Ban An toàn giao thông tỉnh đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trang thông tin điện tử (tại địa chỉ: http://banatgt.vinhphuc.gov.vn) và kênh tuyên truyền trên mạng xã hội Zalo (đã thực hiện đăng tin, bài và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Có 5.833 lượt quan tâm, chia sẻ của người dùng trên kênh Zalo và trên 9 nghìn lượt truy cập vào Trang thông tin điện tử). In tài liệu, tờ gấp, cấp phát cho trên 3 nghìn người dân. Cử báo cáo viên phối hợp với các tổ chức đoàn thể, cơ quan trên địa bàn tỉnh như Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Trường Cao đẳng nghề cơ khí nông nghiệp, Sở Công Thương... tổ chức tuyên truyền cho trên 3 nghìn đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, học viên trường cao đẳng, đội ngũ lãnh đạo, lái xe, người lao động tại các doanh nghiệp vận tải khách.

Từ nay đến hết năm, Ban An toàn giao thông tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông đường bộ, các văn bản liên quan công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Ngoài ra, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho học sinh, ngày 12/9/2022, Công an tỉnh đã phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo và Tỉnh Đoàn Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị "Triển khai kế hoạch phối hợp tuyên truyền và ký cam kiết chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong học đường năm học 2022 - 2023". 

Qua đánh giá, hoạt động tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông thời gian qua được triển khai ngày càng thiết thực, hiệu quả, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông cho người dân, hạn chế nguy cơ, cũng như kéo giảm tai nạn, va chạm giao thông trên địa bàn.

Yên Sơn