Ngành nông nghiệp luôn xác định gắn kết hoạt động sản xuất với ứng dụng khoa học và công nghệ sẽ giúp nông nghiệp phát triển được nhiều mô hình sản xuất phong phú, cũng là cơ hội để giúp người nông dân thu hút các doanh nghiệp liên kết, nhằm hình thành các chuỗi giá trị hàng hóa bền vững.

Những năm gần đây, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Phúc ngày càng bị thu hẹp. Trong khi đó, để tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng đất trong và nhu cầu sử dụng thực phẩm thì không giảm mà còn tăng, đặc biệt là nông sản sạch, an toàn.

Trong bối cảnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc xác định, áp dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại không những mang đến những thuận lợi trong sản xuất như giám sát cây trồng, vật nuôi, hạn chế nguồn phát thải vào môi trường mà còn giải được bài toán tăng hiệu quả sử dụng đất, giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất và đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường xanh.

Những năm qua tỉnh luôn khuyến khích và tạo điều kiện để người dân, các hợp tác xã đổi mới sản xuất, chủ động liên kết với các ban, ngành đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

nongnghiep.png
Ảnh minh hoạ

Đơn cử, Hợp tác xã Nấm Tam Đảo đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đồng thời, được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP, quà tặng du lịch Vĩnh Phúc.

Hợp tác xã đã chủ động phát triển các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các website, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội bên cạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trực tiếp. Hiện Nấm Tam Đảo duy trì 3 trang fanpage trên nền tảng mạng xã hội Facebook, gồm: Bảo tồn nấm Tam Đảo; Đông trùng hạ thảo Tam Đảo và Hợp tác xã nấm Tam Đảo…thu hút hàng nghìn lượt người theo dõi, tương tác; duy trì 3 website quảng bá các sản phẩm được tinh chế từ nấm Đông trùng hạ thảo đến khách hàng online.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn chủ động đầu tư kinh phí, bố trí nhân lực phát triển ứng dụng “Shop đặc sản Việt” trên các phần mềm điện thoại để người tiêu dùng tiện tra cứu, nhận các ưu đãi, phản ánh chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Nhờ đó, doanh thu của Hợp tác xã tăng gấp đôi so với thời điểm chưa áp dụng bán hàng trên các nền tảng số…

Đến nay các tiến bộ khoa học được áp dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Có thể điểm ra một số mô hình như: sản xuất Thanh long được trang bị hệ thống điều khiển tưới và bón phân tự động, phần mềm sổ tay hướng dẫn; chăn nuôi lợn thịt với quy mô 1.000 con có hệ thống giám sát và điều khiển khí hậu chuồng nuôi, hệ thống cho ăn tự động, phần mềm quản lý chuồng trại chăn nuôi; nho siêu ngọt hạ đen; sản xuất lúa ứng dụng kỹ thuật làm mạ khay cấy máy, thụ tinh nhân tạo cho đàn bò thịt; trồng dưa lưới, dâu tây trong nhà màng hay mô hình sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc trong bảo vệ thực vật...

Được biết, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thí điểm xây dựng 2 mô hình ứng dụng công nghệ số trong sản xuất Thanh long và chăn nuôi lợn thịt.

Đến hết tháng 9, tỷ lệ hộ gia đình chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn trên địa bản tỉnh Vĩnh Phúc đã ứng dụng công nghệ số trong sản xuất chăn nuôi đạt trên 88%; tỷ lệ số hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh hơn trên 17%; tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp sử dụng thương mại điện tử gần 20%; tỷ lệ nông dân được tập huấn, đào tạo ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp và cách thức quảng bá, bán sản phẩm trên mạng đạt trên 12%.

Việc áp dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại đã mang đến những thuận lợi trong sản xuất như giám sát cây trồng, vật nuôi, hạn chế nguồn phát thải vào môi trường.

Hướng tới một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp công nghệ cao hoàn chỉnh với việc phát triển đồng bộ nền tảng hạ tầng số, chính quyền số nông nghiệp, kinh tế số nông nghiệp và nông dân, nông thôn số, thời gian tới, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn và đào tạo kiến thức, kỹ năng cho hộ sản xuất nông nghiệp ứng dụng các công nghệ số vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng xây dựng nền tảng truy xuất nguồn gốc nông sản; nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý từ tỉnh đến cơ sở; khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp; tăng cường ứng dụng các giải pháp công nghệ trong sản xuất nông nghiệp như: Giải pháp GIS, theo dõi tính trạng đất môi trường…

Cùng với đó là việc thực hiện hiệu quả chính sách ưu đãi tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân được tiếp cận với các nguồn vốn; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trực tiếp tham gia nghiên cứu khoa học, tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất nông nghiệp; thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển nông nghiệp số...

Thanh Sơn