Đồng loạt đổi tên
Theo công bố của Meliá, thương hiệu quản lý khách sạn đến từ Tây Ban Nha đã hoàn thành chuyển đổi thương hiệu 12 khách sạn Vinpearl. Khách sạn đầu tiên được chuyển đổi là Vinpearl Quảng Bình với thương hiệu mới là Meliá Vinpearl Quảng Bình từ tháng 3/2022. Mười khách sạn Vinpearl tiếp theo hoàn tất việc chuyển đổi thương hiệu vào cuối tháng 9 này.
Ông Steve Nunan, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Cấp cao khu vực Đông Nam Á của Meliá Hotels International cho hay, Việt Nam là một thị trường cực kỳ quan trọng. Khi quá trình chuyển đổi đã hoàn tất, thương hiệu này tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Ông Steve cho biết, cả hai bên vẫn tập trung trong suốt thời gian này cho mục tiêu và tầm nhìn chung của sự hợp tác chiến lược.
Các khách sạn mang thương hiệu Meliá Vinpearl được hỗ trợ từ các kênh phân phối quốc tế của tập đoàn. Tất cả các khách sạn Meliá Vinpearl từ nay đã có thể được đặt qua trang web chính thức của Meliá. Tháng 9 này, Meliá bắt đầu đợt ra mắt lớn nhất trên cả nước kể từ khi có mặt tại Việt Nam.
Tương tự, Vinpearl cũng ký với Marriott International công bố lộ trình hợp tác quản lý 8 khách sạn, khu nghỉ dưỡng. Theo lộ trình thống nhất giữa 2 bên, trong năm nay sẽ có 6 khách sạn được triển khai hợp tác quản lý bao gồm: Vinpearl Landmark 81 Autograph Collection (Vinpearl Luxury Landmark 81), Đà Nẵng Marriott Resort & Spa (Vinpearl Luxury Đà Nẵng), Sheraton Phú Quốc Long Beach Resort (Vinpearl Resort & Golf Phú Quốc), Sheraton Hải Phòng (Vinpearl Hotel Imperia Hải Phòng), Sheraton Cần Thơ (Vinpearl Hotel Cần Thơ), Four Points by Sheraton Lạng Sơn (Vinpearl Hotel Lạng Sơn). Bên cạnh đó, 2 khách sạn xây mới dự kiến ra mắt vào năm 2025 bao gồm Sheraton Vinh và Four Points by Sheraton Hà Giang.
Bà Vũ Thị Kim Hường, Giám đốc Khối kiểm soát đầu tư của Vinpearl cho hay, chiến lược hợp tác đưa hệ thống Vinpearl gia nhập mạng lưới khách sạn danh tiếng trên thế giới, đồng thời hỗ trợ nâng tầm đẳng cấp cho du lịch quốc gia. Bên cạnh đó, du khách trong nước và quốc tế có thể tiếp cận với đa dạng trải nghiệm dịch vụ khách sạn cao cấp ngay tại Việt Nam.
Vinpearl là thương hiệu khách sạn của Việt Nam, đang vận hành 35 khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại 17 tỉnh thành với công suất hơn 18.500 phòng khách sạn và biệt thự.
Thị trường gặp khó
Quá trình tái cơ cấu, hợp tác với các thương hiệu quản lý quốc tế được Vinpearl trong bối cảnh ngành khách sạn trải qua 2 năm khó khăn vì dịch bệnh. Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đang rao bán khách sạn, đặc biệt là các ngân hàng công bố bán đầu giá tài sản khách sạn để siết nợ. Với các khách sạn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, để vận hành có lãi là điều không dễ dàng.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho biết, để hoạt động du lịch có thể đạt được mức như năm 2019 chúng ta vẫn phải chờ đến khi thị trường khách quốc tế hoàn toàn khôi phục. Ba yếu tố chính đang cản trở quá trình khôi phục của nguồn cầu du lịch là lạm phát, chi phí chuyến bay gia tăng và sự chậm khôi phục của hai thị trường khách Trung Quốc và khách Nga.
Để đảm bảo thành công của dự án về lâu dài, thương hiệu có danh tiếng là chưa đủ. Chủ đầu tư cần triển khai dự án một cách cẩn trọng từ khâu hoạch định đến khi dự án đi vào vận hành.
Ông Gasparotti, ước tính trong ba năm tới, nguồn cung tại các điểm đến du lịch trọng điểm sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 20% mỗi năm. Với tốc độ này, nếu nguồn cầu không tăng theo kịp thì có thể dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Qua đó sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công suất phòng của các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong nước.
Theo Tổng cục Du lịch, cả nước có khoảng 33.330 cơ sở lưu trú du lịch với 667.000 phòng, trong đó có 215 khách sạn 5 sao với 72.000 phòng, 334 khách sạn 4 sao với 45.000 phòng.