Nhưng liệu mọi thứ có nguy hiểm như bạn nghĩ hay không?
Hóa ra, nó còn phụ thuộc vào vị trí ghế ngồi của bạn. Một nghiên cứu mới được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy: Tỷ lệ lây nhiễm virus cúm trên máy bay cao nhất trong vòng bán kính 1 mét.
Nghĩa là nếu một hành khách mắc cúm, anh ta sẽ có 80% cơ hội lây nhiễm cho những người ngồi 2 hàng ghế bên cạnh mình và 2 ghế trước sau. Điều này cho thấy những hành khách ngồi ở trung tâm máy bay sẽ có nhiều cơ hội mang bệnh về nhà hơn những hành khách ngồi ở những hàng ghế đầu và cuối, mặc dù nguy cơ của họ đều khá nhỏ.
Điều gì sẽ xảy ra khi bạn phải chui vào một cái hộp kín với hơn 100 con người, trong đó chỉ không may có một người mang virus cúm?
Mỗi năm, có khoảng 3 tỷ người trong số chúng ta phải di chuyển bằng máy bay. Kết hợp với quan niệm phổ biến cho rằng các bệnh truyền nhiễm dễ dàng lây lan qua đường hàng không, thật ngạc nhiên khi biết rằng có rất ít nghiên cứu tập trung trả lời câu hỏi này một cách chi tiết.
Theo dõi mầm bệnh lây lan trên máy bay có vẻ như không có gì khó khăn. Chúng ta có nhiều công cụ để thu thập dữ liệu một cách đồng bộ như camera, thẻ RFID, siêu âm, hồng ngoại… Các công nghệ này vốn đang được sử dụng để theo dõi hoạt động của hành khách trên các chuyến bay vì lý do an ninh.
Với kỹ năng của mình, các nhà khoa học cũng có thể sử dụng chúng để theo dõi sự lây lan của mầm bệnh. Thế nhưng Howard Howard Weiss, một nhà toán học đến từ Viện Công nghệ Georgia và đồng tác giả của nghiên cứu mới cho biết:
"Hiện không có bất kỳ một nghiên cứu định lượng nào về các hoạt động, hành vi hoặc giao tiếp xã hội giữa các hành khách trong suốt chuyến bay. Chúng tôi cũng chưa thấy bất kỳ nghiên cứu nào kiểm tra virus lây qua đường hô hấp trong không khí và các bề mặt cabin".
Để trả lời câu hỏi: "Làm thế nào các bệnh truyền nhiễm có thể lây lan trên máy bay?", Weiss cùng với đồng tác giả Vicki Stover Hertzberg đến từ Đại học Emory, đã thiết kế và thử nghiệm một kỹ thuật quan sát mới ghi lại tất cả các chuyển động của hành khách và phi hành đoàn trong khoang máy bay.
Họ đã theo dõi 10 chuyến bay bằng công nghệ mới này, 8 trong số đó là những chuyến bay trong mùa cúm. Ngoài việc ghi lại toàn bộ chuyển động của phi hành đoàn và hành khách, nhóm nghiên cứu cũng thu thập các mẫu không khí trong cabin và trên các bề mặt như thành ghế, cửa sổ, ngăn để hành lý… để tìm virus cúm.
Các máy bay là loại nhỏ chở 144 hành khách và chỉ có 1 lối đi ở giữa.
Mô phỏng nguy cơ lây bệnh trên máy bay từ một hành khách ngồi ở hàng ghế giữa
"Đây là nghiên cứu đầu tiên định lượng chuyển động, hành vi và giao tiếp xã hội của hành khách đi máy bay để ước tính khả năng lây truyền bệnh tật bằng mô hình dữ liệu", Weiss nói. "Mô phỏng cung cấp bằng chứng thuyết phục rằng nếu bạn không ngồi trong bán kính 1 mét so với hành khách bị nhiễm cúm đồng thời rửa tay thường xuyên, thì bạn sẽ không bị nhiễm bệnh trong suốt chuyến bay ấy".
Weiss và các tác giả ví dụ về một người nhiễm bệnh ngồi giữa máy bay. Theo mô phỏng máy tính của họ, những hành khách ngồi ở ngay phía trước hoặc phía sau người đó, và hai ghế bên trái và bên phải có nguy cơ bị nhiễm bệnh tới hơn 80%.
Nhưng đối với những người khác, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 3%. Vậy là nếu một người mang virus cúm lên máy bay, họ chỉ có nguy cơ lây nhiễm trung bình cho khoảng 4-6 hành khách khác.
Điều thú vị là trong số 229 mẫu thu thập được từ môi trường bên trong cabin, không có một mẫu nào chứa dấu vết của 18 loại virus đường hô hấp thông thường. Có vẻ như trái với lo lắng của nhiều người, máy bay không phải là một ổ bệnh tật.
Nghiên cứu cũng thú vị ở chỗ nó tiết lộ về hành vi của hành khách tương ứng với chỗ ngồi của họ. Điều này rất quan trọng vì hành khách càng di chuyển nhiều, họ càng có nhiều cơ hội tiếp xúc với mầm bệnh. Hoặc nếu họ là người nhiễm bệnh, thì càng có nhiều cơ hội lây lan chúng cho các hành khách khác.
Mô phỏng của Weiss và các đồng nghiệp chỉ ra: Khoảng 40% hành khách không bao giờ rời khỏi ghế của họ trong các chuyến bay, 40% hành khách khác đứng dậy một lần, và 20% đứng dậy và di chuyển 2 lần trở lên. Cứ 10 hành khách ngồi cạnh cửa sổ thì có 4 người sẽ đứng dậy. Con số là 6 người ở hàng ghế giữa và 8 người ngồi gần lối đi. Hành khách rời khỏi ghế thì sẽ trở lại trong trung bình 5 phút.
Tổng hợp tất cả dữ liệu này, các nhà khoa học kết luận khả năng lây nhiễm virus trên máy bay là thấp, ít nhất là trên loại máy bay nhỏ chỉ với 1 lối đi và lộ trình ngắn (2-5 giờ bay). Nhưng nếu điều đó đúng, tại sao chúng ta vẫn thường hay bị bệnh sau khi đi công tác hoặc đi du lịch?
"Mọi người có thể đã bị lây bệnh trong khi họ lưu trú ở sảnh sân bay, trong khi lên xuống máy bay [nhiều hơn là khi đã ở trong cabin]", nhóm nghiên cứu cho biết. "Ngoài ra, một số hành khách có thể đã bị lây nhiễm bởi các nguồn khác trước hoặc sau chuyến bay".
Mọi người không nên quá lo lắng về những thông tin từ nghiên cứu mới từ đó sợ đi máy bay
Edsel Maurice Salvaña, một nhà sinh học phân tử tại Viện Y tế Quốc gia thuộc Đại học Philippines Manila, cho biết nghiên cứu mới này rất quan trọng vì chúng ta cần hiểu rõ hơn về con đường lây truyền bệnh tật trên các chuyến bay. Nhóm nghiên cứu đã làm rất tốt khi lập được bản đồ các chuyển động của bệnh nhân và tiến hành thêm bước kiểm tra môi trường cho một nhóm gồm 18 loại virus đường hô hấp.
Tuy nhiên, điểm yếu của nghiên cứu này là nó chưa mô phỏng các loại virus và vi khuẩn truyền nhiễm có phạm vi lây nhiễm hơn như thủy đậu, sởi và lao.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng mọi người không nên quá lo lắng về những thông tin từ nghiên cứu mới từ đó sợ đi máy bay. Trên thực tế, nó đã chỉ ra nguy cơ lây truyền khá thấp. Chỉ có những người mắc phải trình trạng suy giảm miễn dịch mới cần phải lo lắng về việc đi máy bay trong mùa cúm.
Ngoài ra, nghiên cứu này khuyến khích những người bị bệnh (cả hành khách lẫn phi hành đoàn) nên nghỉ ngơi ở và hạn chế lên máy bay. Ngoài việc đeo khẩu trang, mọi người cũng nên rửa tay để đề phòng bệnh tật. Đây là một trong những cách hiệu quả nhất để bảo vệ bạn, nếu không may phải bay cùng một hành khách bên cạnh đang hắt hơi sổ mũi.
Tham khảo Gizmodo