Trong tháng 7, Việt Nam là một trong 5 nước đứng đầu về tỷ lệ thư rác, với số lượng thư rác chiếm tới 81,6% tổng lượng email được gửi đi. Còn trên thế giới, cứ 1,29 email gửi đi lại có 1 email là thư rác.



Các nước châu Á cũng dẫn đầu về nguồn gốc phát tán thư rác khi Ấn Độ dẫn đầu danh sách (chiếm 15,5% tổng thư rác toàn cầu), Việt Nam đứng ở vị trí số 4 với 6,4%, Indonesia và Trung Quốc đứng sát sau Việt Nam với tỷ lệ tương ứng là 2,6% và 2,5%. Dược phẩm và hóa chất tiếp tục là 2 ngành thống trị thư rác toàn cầu, khi đại bộ phận thư rác bị phát hiện đều có nội dung quảng cáo cho các loại thuốc hoặc hóa chất.

Ngoài ra, số lượng mã độc ẩn mình trong email đang bùng nổ một cách đáng báo động, khi cứ 280 email gửi đi trong tháng 7 lại có 1 email được phát hiện có chứa malware.

Theo Báo cáo Hiện trạng bảo mật tháng 7 do Symantec vừa công bố, tỷ lệ này cao hơn gấp 2 lần so với thời điểm hồi đầu năm, cho thấy bọn tội phạm mạng đang tăng cường chiến lược tấn công "hung hăng" hơn. Malware nhúng trong email đa số là các biến thể mã độc đa hình, với mức độ nguy hại rất khác nhau, từ trung bình đến rất nguy hiểm. Các dòng mã độc thường được tích hợp bên trong file exe đính kèm theo một file ZIP. Chúng thường trá hình dưới vỏ bọc một tài liệu dạng PDF hoặc một văn bản nào đó.

“Số lượng biến thể mã độc được sử dụng trong các cuộc tấn công gần đây đã tăng rất mạnh. Nếu so với 6 tháng trước đây thì con số này đã tăng lên 25 lần. Sự phát triển nở rộ trong một thời gian ngắn như vậy đẩy nguy cơ lên rất cao, bởi những dòng mã độc mới này khó phát hiện hơn bằng các công cụ bảo mật truyền thống”, Chuyên gia Raymond Goh của Symantec cho biết.
 
Những phân tích sâu hơn cũng cho thấy, các cuộc tấn công lừa đảo hiện nay thường sử dụng nhiều công cụ khác nhau để khai thác lỗ hổng/điểm yếu trên di động của người dùng. Hiện tại, hai xu hướng rõ nét nhất của tội phạm mạng là: Số lượng các vụ lừa đảo trên các trang có giao thức WAP gia tăng – đây là những trang Web nhẹ được thiết kế cho các thiết bị di động nhỏ như điện thoại di động; và thứ hai là việc tận dụng các tên miền dành cho thiết bị di động bị chiếm quyền điều khiển (chẳng hạn như .mobi).

So với mã độc, vấn nạn email lừa đảo phishing có vẻ "giậm chân tại chỗ" khi chỉ tăng không đáng kể 0,01% so với tháng 6. Trung bình cứ 319 email được gửi đi sẽ có 1 email chứa nội dung lừa đảo. Bọn tội phạm mạng tại Anh đột ngột tăng mạnh hoạt động, dẫn tới việc Anh đã chiếm vị trí số 1 của Nam Phi với tỷ lệ 1/127 email là thư lừa đảo. Nhật Bản tiếp tục là một quốc gia khá "an toàn" khi tỷ lệ email lừa đảo rất ít, chỉ chiếm 1 trên 13.167 email gửi đi.

Phần mềm độc hại bị chặn nhiều nhất trong tháng 7 là W32.Ramnit!html – một loại sâu lây nhiễm trên các ổ cứng di động và thông qua các tệp tin exe. Loại sâu này lây nhiễm bằng cách tự mã hóa và sau đó tự gắn kèm với các tệp tin có đuôi mở rộng .DLL, .EXE và .HTM. Các biến thể của loại sâu Ramnit chiếm khoảng 17,3% trên tổng số các phần mềm độc hại bị chặn bởi công nghệ bảo vệ thiết bị đầu cuối trong tháng 7.
 
Trọng Cầm (Theo PCWorld)