- Quê em có một số gia đình ép gả con gái mới chỉ 16, 17 tuổi cho nhà giàu để gán nợ.
TIN BÀI KHÁC
Con gái họ không có quyền lên tiếng vì bố mẹ đã định. Cho em hỏi như vậy là vi phạm luật hôn nhân gia đình đúng không? Vậy phải làm gì để ngăn chặn tình trạng trên?
(Ảnh minh họa) |
Luật sư tư vấn:
Pháp luật Việt Nam ghi nhận và bảo vệ quyền tự do kết hôn, trên nguyên tắc: “Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng.” (Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2005 và Khoản 1 Điều 2 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000). Sự tự nguyện thể hiện là nam, nữ được tự do lựa chọn, thỏa thuận và quyết định kết hôn theo ý muốn của họ, khi họ đã có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau: 1. Nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên;2. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở; 3. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 của Luật này”.
Điều 4 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cũng quy định: “2.Cấm tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ; cấm kết hôn giả tạo, lừa dối để kết hôn, ly hôn; cấm cưỡng ép ly hôn, ly hôn giả tạo; cấm yêu sách của cải trong việc cưới hỏi”; “3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Toà án, cơ quan khác có thẩm quyền có biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm minh đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
Căn cứ vào các quy định trên, việc một số gia đình tại quê bạn ép con gái kết hôn khi họ mới chỉ 16, 17 tuổi cho nhà giàu để gán nợ là trái quy định của pháp luật, và có thể bị Tòa án hủy bỏ việc kết hôn trái pháp luật theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.
Tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm, những người có hành vi cưỡng ép con gái tảo hôn, kết hôn có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 110/2009/NĐ-CP ngày 10/12/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình về hành vi “Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.”, với hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội cưỡng ép kết hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ” (Điều 146 Bộ luật Hình sự), hoặc “Tội tổ chức tảo hôn, tội tảo hôn” (Điều 148 Bộ luật Hình sự), khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi này mà còn vi phạm.
Trước hết, trách nhiệm trong việc phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý tình trạng trên thuộc về chính quyền, các ban ngành, đoàn thể tại địa phương. Các cơ quan này phải có biện pháp tuyền truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho người dân về lĩnh vực này; đồng thời, cũng phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.
Đối với các bạn trẻ, khi bị gia đình cưỡng ép tảo hôn, kết hôn trái ý muốn cũng phải có những cách thức và biện pháp bảo vệ mình một cách hợp lý. Trong trường hợp, họ không thể tự thuyết phục gia đình từ bỏ việc cưỡng ép mình tảo hôn, kết hôn thì họ cần trình báo sự việc với chính quyền địa phương và đề nghị các đoàn thể (như đoàn thanh niên, hội phụ nữ) can thiệp, vận động, thuyết phục gia đình, cũng như có các biện pháp ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Hồng Bách - Công ty luật hợp danh Hồng Bách và cộng sự
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).