-Bài 'Kinh tế Việt Nam đang tụt hậu ngày càng xa' thu hút đông đảo bạn đọc. Nhiều bạn đã gửi ý kiến phản hồi về Báo VietNamNet.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}
Ảnh minh họa

Chưa thấy Việt Nam có một “cái thế” nào?

Bạn Tân Nguyễn sốt ruột: Tụt hậu quá nhiều rồi. Bạn Ngọc Tiến nhìn nhận: cần có mục tiêu, hành động cụ thể.

Góc nhìn của Lê Văn Diệp: Không tụt hậu sao được? Dự án chạy, quyết toán gấp hai ba lần giá trúng thầu, chi phí thực cho dự án chỉ khoảng 30-35% kinh phí - làm sao chất lượng công trình tốt được, đường làm chưa xong lo lập dự án nâng cấp sửa chữa, nợ xấu lớn không giám cho vay, lãi suất tiết kiệm thấp, dân mua vàng tích trữ! bạn Dang Minh bổ sung: Suất đầu tư cao quá do lợi ích nhóm, tham nhũng... và khi những yếu tố đó còn tác động mạnh thì sự hoạch định, điều hành chính sách cũng "méo mó" --> phát triển chậm lại cũng đồng nghĩa với tụt hậu vậy. Hoàng Anh nhận xét: Sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Việt Nam đã đạt được một vế, tức là không tăng trưởng, còn vế kia, lạm phát, thì vẫn… "tăng trưởng" đều.

Bạn Nguyễn Diệp phân tích: Trong điều hành đất nước vẫn còn trọng về thành tích nên nó luôn ẩn chứa những bất ổn. Tham vọng thì nhiều nhưng thực lực chẳng có là bao. Không phải chúng ta yếu kém năng lực và nguồn lực mà chúng ta yếu kém về điều hành do không nắm bắt được thực trạng và không có công tác dự đoán. Chẳng có gì là khó cả nếu chúng ta biết làm đúng sức mình, không lãng phí nguồn lực. Xét cho cùng: Kinh tế chính là chính trị. Sự bất ổn về kinh tế sẽ kéo theo sự bất ổn về chính trị. Cho nên kế hoạch kinh tế từng thời kỳ phải giải quyết được "mâu thuẫn" xã hội của thời kỳ đó.

Nguyễn Anh Khoa bổ sung: Toàn lấy những con số, những chỉ tiêu đề ra nhưng thực sự không có một cơ sở hay hành động cụ thể nào để chuyển hóa thành hiện thực. Khuyến khích các doanh nghiệp khối tư nhân dũng cảm đầu tư nhưng thắt chặt vốn vay, gói kích cầu bất động sản với hàng đống luật, rừng luật. Nông nghiệp làm chủ đạo đã bị đô thị hóa, quỹ đất ngày càng thu hẹp, nông dân mất đất không việc làm, dẫn đến lạm phát cao, đạo đức suy đồi. Chung quy cũng chỉ vì phúc lợi xã hội kém, với tình hình này kinh tế Việt Nam còn khó đến bao giờ?

Bạn Lê Tuấn cho rằng: Cần đánh giá đúng bản chất và đưa ra những giải pháp quyết liệt mà hiệu quả để vực dậy nền kinh tế và tạo thế phát triển. Cái gì muốn phát triển cũng cần một “cái thế”, phát triển như thế nào thì còn xem “cái thế” đó vững như thế nào.

Xác định vai trò và trách nhiệm cá nhân?

 “Trong các bài phát biểu cách đây ít năm của các vị quan chức ta thường hay nghe nói câu " ... do hậu quả của chiến tranh, nền kinh tế có xuất phát điểm thấp..v.v. " nay thì ".. do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới.." Biết đến bao giờ ta mới thôi đổ lỗi cho những nguyên nhân khách quan? Bạn Oanh Phạm đặt câu hỏi. Còn theo bạn Xuân Ngọc thì: Vào vòng xoáy khủng khoảng, mới thấy rõ vai trò của nhân tài lãnh đạo. Và vẫn đang đổ lỗi cho… khủng hoảng thế giới! Muốn thay đổi, cần phải thay đổi những vấn đề gốc rễ: Đó là khẳng định vai trò và trách nhiệm cá nhân một cách rõ ràng, kể cả ở cấp lãnh đạo đất nước. Không nên núp bóng tập thể nữa. Có như vậy mới thể hiện rõ tầm vóc, bản lĩnh và tài năng của cá nhân. Hay dở chỉ cần nhìn vào là thấy. Nhân dân sẽ đánh giá sáng suốt. Khi đó các cá nhân sẽ phải làm việc công tâm hơn, minh bạch hơn và hiệu quả hơn. Chỉ cần chúng ta đừng "cố tình làm bậy vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì chắc chắn Việt Nam sẽ không tệ như thế này. Có thể sai lầm, có thể ấu trĩ, nhưng hậu quả sẽ không nặng nề.

Bạn Nguyễn Anh Minh lo ngại: Một nền kinh tế có quá nhiều nhóm lợi ích thì làm sao mà phát triển được? Ai nói cũng hay nhưng không ai chịu đứng ra ngoài các nhóm lợi ích để có thể kéo nền kinh tế đi lên. Nền kinh tế Việt Nam đi xuống và tụt hậu chính là do lỗi chủ quan của chúng ta chứ không thể đỗ lỗi cho khách quan, cho khủng hoảng kinh tế thế giới được. Chúng ta cần nghiêm túc xem xét, sớm đưa ra giải pháp đúng tháo gỡ khó khăn, khắc phục, hồi phục và phát triển nền kinh tế, hãy tận dụng nội lực tối đa, phát huy sức mạnh toàn dân thông qua các chính sách và giải pháp đúng để người dân yên tâm đầu tư xây dựng phát triển kinh tế nước nhà, đừng quá phụ thuộc vào nước ngoài vì đầu tư từ nguồn tiền vay mượn sẽ không mang lại hiệu quả cao mà ai trong chúng ta đều đã rõ.

Cách xử trí với các “nhóm lợi ích” theo đề xuất của Nam Sơn: Bất cứ lĩnh vực nào hay ở bất cứ quốc gia nào, dù là chính trị, kinh tế hay văn hóa xã hội đều có các nhóm lợi ích. Vấn đề chính là đưa các nhóm lợi ích ra cạnh tranh bình đẳng, dân chủ, minh bạch trước sự giám sát, lựa chọn của người dân thông qua dư luận, các quyền biểu thị và lá phiếu, qua báo chí,... Có như vậy thì mới mong kinh tế, xã hội, chính trị khởi sắc lên được. Còn không mọi giải pháp đều ẩn chứa rủi ro lớn.

“Phải cải cách một cách mạnh mẽ, triệt để nhằm xây dựng một Nhà nước dân chủ, pháp quyền công khai, minh bạch, thì mới có hy vọng đuổi kịp các nước phát triển”. Bạn Nguyễn Văn Lý mong mỏi.

Ban Bạn đọc