Đó là câu chuyện của vợ chồng anh Bùi Văn Tăng (SN 1970) và chị Nguyễn Thị Sim (SN 1982), trú ở làng Ấm, xã Lương Nội, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Trong ngôi nhà tình nghĩa cấp 4, anh Tăng nằm liệt trên giường trong khi vợ đang cặm cụi dọn dẹp. Có khách đến, anh Tăng vui ra mặt, bảo "chả mấy khi có người đến chơi" rồi nhanh nhảu gọi vợ ra rót nước mời khách.
Nhấp chén nước chè, anh chậm rãi kể về cuộc đời và mối lương duyên của mình như một câu chuyện cổ tích cho chúng tôi nghe. Với anh, cuộc đời tưởng chừng "chết rồi" của mình đã sống lại khi gặp được người vợ bây giờ.
Anh Tăng nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt chỉ chông chờ vào người vợ |
Sinh ra trong một gia đình có 7 anh chị em, lúc chào đời, anh Tăng cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Cho đến năm 16 tuổi, đang là cậu thanh niên khỏe mạnh, đôi chân anh bỗng đau nhức khác thường, các khớp chân tê buốt.
Gia đình anh đi lấy thuốc lá về đắp cho con mà tình trạng không thuyên giảm. Bốn năm sau, đôi chân anh Tăng co rút đến độ không thể đi lại được nữa, phải nằm liệt một chỗ.
Từ ngày mắc bệnh, cuộc sống của anh trở nên vô nghĩa, gói gọn trong không gian chật hẹp. Mọi ăn uống, sinh hoạt phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác. Đến nay anh Tăng đã làm bạn với chiếc giường và 4 bức tường hơn 20 năm.
“Cuộc đời tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có vợ, chỉ mong sao sống yên ổn nốt phần đời còn lại là vui rồi. Vậy mà phép màu đã thực sự đến với tôi, đến giờ tôi vẫn không thể tin đó là sự thật”, anh Tăng tâm sự.
Chị Sim cao 1m nên không thể làm được công việc gì |
Phép màu được anh nhắc đến là vào đầu năm 2013, một người cháu họ đi làm ăn xa về, thấy anh nằm một chỗ buồn tẻ đã tặng anh 1 chiếc điện thoại cũ, để anh vào mạng tìm kiếm thông tin giải trí cho đỡ buồn.
“Nhờ có chiếc điện thoại đó tôi đã vào "Google" tìm kiếm thông tin và bất ngờ kết nối được với Sim, để rồi sau đó, qua những câu chuyện hai người hiểu về nhau hơn và đồng ý về chung một nhà”, anh Tăng kể.
Ước mơ có một cái nhà tắm
Chị Sim, người con gái mà anh quen khi ấy và là vợ anh bây giờ quê ở xã Phấn Mễ, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, cũng là một mảnh đời bất hạnh. Cao vỏn vẹn 1,1m, nặng 25kg, chị từng sinh một bé gái với một người cùng cảnh ngộ. Bị chồng ruồng bỏ, không đủ sức chăm con, chị nén lòng gửi con lại một trung tâm ở Hà Nội. Sau này chị được biết con gái mình đã được cặp vợ chồng người Pháp nhận nuôi, đến nay cháu cũng đã 10 tuổi.
“Ngày mới quen, anh Tăng không hề giấu diếm bệnh tật của mình. Ban đầu anh cũng chỉ kể những câu chuyện cuộc sống cho vui. Từ sự chân thật cộng với quan tâm của anh ấy khiến cả hai có một sự đồng cảm”, chị Sim nhớ lại.
Anh Tăng đang sửa đèn pin cho khách |
Ngày anh chị về chung một nhà diễn ra chóng vánh. Đám cưới không có chú rể đi đón dâu, chỉ có 2 chú cháu là người thân của anh Tăng từ nhà ra tận Thái Nguyên xin dâu. Hai bên nội ngoại cũng chỉ làm vài mâm cơm bình dị để thông báo và ra mắt họ hàng, xóm giềng.
“Có em, tôi như sống lại lần thứ 2. Bởi với con người tật nguyền như tôi bản thân mình còn chẳng lo được thì làm sao lo toan được cuộc sống gia đình. Vợ tôi mặc dù chỉ cao 1m nhưng chăm cho tôi từng miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa”, anh Tăng xúc động.
Chị Sim bên ngôi nhà tình nghĩa |
Cưới nhau 1 năm, niềm vui lớn nhất của anh chị là sinh được một cháu trai kháu khỉnh, năm nay cháu 4 tuổi. Mặc dù vậy, anh chị vẫn hết sức lo lắng vì không biết sẽ lo cho tương lai con thế nào.
Hai vợ chồng không có khả năng lao động, kiếm thêm thu nhập. Mọi chi phí sinh hoạt chỉ trông chờ vào mấy trăm nghìn tiền trợ cấp xã hội, lâu lâu người dân bị hỏng đèn pin mang đến nhờ sửa anh, kiếm 10-20 nghìn.
“Hiện tại cả nhà đang sống trong ngôi nhà tình nghĩa khoảng 20m2. Nhà vệ sinh, nhà tắm không có nên mỗi lần vợ tôi tắm rửa cho tôi rất khó khăn, nước chảy lênh láng nhà. Tôi bây giờ chỉ ao ước có một cái nhà tắm đàng hoàng để vợ con đỡ khổ”, anh Tăng ao ước.
Ước mơ giản dị của người đàn ông nghèo mang số phận bất hạnh không khỏi khiến người nghe thương cảm. Càng lo hơn khi với bố mẹ thế này, con trai anh chị sẽ lớn lên ra sao. Tình yêu thương đong đầy của cha mẹ rất nhiều nhưng đứa trẻ vẫn cần được đến trường, được trưởng thành trong môi trường đầy đủ hơn. Rất mong hoàn cảnh của gia đình anh chị nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng.
Lê Dương
Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: 1. Gửi trực tiếp: Anh Bùi Văn Tăng/ Chị Nguyễn Thị Sim, làng Ấm, xã Lương Nội, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. SĐT anh Tăng: 0385543188 |
Biến dạng khuôn mặt do ung thư, nữ sinh mặc cảm không dám đến trường
Kể từ ngày mắc bệnh ung thư xương hàm, em Nguyễn Thị Kiều Trang luôn sống trong nỗi sợ hãi, thậm chí rơi vào trầm cảm. Giờ đây, căn nhà là nơi trú ngụ duy nhất của gia đình em cũng đang đứng trước nguy cơ bị "siết nợ".