- Cách đây 1 năm, khi bố tôi đang đi làm ăn công tác xa, mẹ tôi có vay của cô A, một người họ hàng với lãi suất 5000 đồng/triệu/ngày, tức là nếu vay 100 triệu lãi suất 15 triệu đồng/ tháng. Mẹ tôi đã trả hết tiền nợ gốc, vẫn còn lãi nhưng họ vẫn tính số lãi là 5000 đồng/triệu/ngày.

TIN BÀI KHÁC

Khi bố tôi trở về và đòi nói chuyện rõ ràng với gia đình họ, yêu cầu giảm lãi suất xuống thì bị họ đe dọa, chửi bới. Bố tôi đòi giấy tờ, bằng chứng ghi nợ thì họ từ chối, dọa ném phân vào nhà tôi. Vừa rồi họ còn về quê tôi, nói chuyện với ông bà nhằm mục đích uy hiếp. Sự việc kéo dài đến mức không thể chịu nổi. Vừa rồi vợ chồng cô A đã đưa người từ Hải Phòng lên nhà tôi, đe dọa, ăn nói thô tục và ở lì đó. Tôi đã gọi 113 và nhờ công an phường can thiệp, thế nhưng công an chỉ hòa giải. Khi từ phường về nhóm người này còn dọa “Tối nay chúng mày cứ đóng chặt cửa vào kẻo chết cả nhà”. Tôi có giữ lại một số đoạn ghi âm của họ đe dọa thế này. Hiện nay bố tôi lại phải tiếp tục lên đường đi làm ăn, nhà chỉ toàn phụ nữ. Em gái tôi đang học lớp 7 ngày đêm sợ hãi, thậm chí không dám đi học.

Xin luật sư cho biết hành vi của cô A như vậy có vi phạm pháp luật không? Chúng tôi phải làm thế nào để đòi lại công bằng và được pháp luật bảo vệ an nguy của mình?

{keywords}
Tôi rất bức xúc về việc gia đình bị xã hội đen đe dọa (Ảnh minh họa)

Thứ nhất, về khoản vay nêu trên:

Theo thông tin bạn cung cấp thì hợp đồng vay trên là hợp đồng vay không kỳ hạn với mức lãi suất là 15%/tháng tương ứng với 180%/năm. Khoản 5 điều 474 Bộ luật dân sự 2005 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau: “5. Trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm trả nợ.”

Theo quy định này gia đình bạn có nghĩa vụ trả lãi khi đến hạn và thanh toán tiền lãi trên nợ gốc và lãi trên nợ quá hạn theo lãi suất cơ bản do ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời hạn vay tại thời điểm bản trả nợ. Nếu bạn không thực hiện nghĩa vụ của mình, bên vay có quyền khởi kiện dân sự để yêu cầu bạn thực hiện nghĩa vụ trả nợ và trả lãi như trên. 

Tuy nhiên, Khoản 1 điều 476 Bộ luật dân sự 2005 quy định: “Lãi suất vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.” và điều 1 quyết định 2868/QĐ- NHNN về mức lãi suất cơ bản bằng đồng việt nam: “Quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm”. 

Như vậy, theo quy định trên, mức lãi suất cho vay không được vượt quá 13,5%/năm. Nhận thấy mức lãi suất cho vay của người kia đối với gia đình bạn đang gấp trên mười lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định nên người cho vay có thể bị truy tố về tội cho vay nặng lãi theo quy định tại khoản 1 điều 163 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi 2009: “Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.”

Thứ hai, về hành vi thuê người đe dọa, gây gổ tại nhà bạn: Điều 103 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung 2009 quy định:

Điều 103. Tội đe dọa giết người

“1. Người nào đe doạ giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe doạ lo sợ rằng việc đe doạ này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:

a) Đối với nhiều người;

b) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

c) Đối với trẻ em;

d) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác”.

Theo đó, đe dọa giết người bị coi là tội phạm là hành vi đe dọa giết người mà hành vi đó có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Người bị coi là phạm tội là người có hành vi thể hiện sẽ tước đoạt tính mạng người khác. Hành vi này có thể là lời đe dọa với những hình thức khác nhau (qua điện thoại, thư từ…) hoặc có thể là những cử chỉ, việc làm cụ thể gián tiếp thể hiện sự đe dọa (như đi tìm công cụ, phương tiện…). Hành vi đe dọa phải gây ra cho người bị đe dọa tâm lí lo sợ một cách có căn cứ là hành vi giết người sẽ xảy ra. Hành vi đe dọa giết người chỉ cấu thành tội phạm khi hành vi đó đã làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện. Như vậy, trường hợp một người nhiều lần nhắn tin, đe dọa người khác để đòi tiền chỉ có thể bị coi là phạm tội đe dọa giết người nếu nội dung của tin nhắn có việc dọa giết, đồng thời nội dung và phương thức nhắn tin phải làm cho người bị đe dọa thực sự lo sợ một cách có căn cứ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, bạn và gia đình có quyền làm đơn tố cáo hành vi của nhóm người này gửi đến Ủy ban xã, phường nơi cư trú hoặc cơ quan công an nơi gia đình bạn cư trú.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị  Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc