- Tôi có người bạn đang đi xe máy trên đường thì va chạm với một người khác cũng đi xe máy. Hai người không việc gì nhưng chiếc xe máy của người đàn ông kia bị móp méo hư hỏng nặng. Bởi vậy, họ xảy ra xung đột, cãi nhau và bạn tôi đã dùng mũ bảo hiểm đập mạnh vào đầu người đàn ông đó.
Không ngờ, lúc ra về, người đó đi loạng choạng rồi ngã khuỵu, chết trên đường đi cấp cứu do xuất huyết não. Hiện tại gia đình họ đang kiện bạn tôi. Xin hỏi luật sư bạn tôi sẽ bị kết tội gì, mức phạt là bao nhiêu? Có phải đền bù tiền cho gia đình người chết không?
Do xe máy bị hư hại, giữa hai người xảy ra xô xát (Ảnh minh họa) |
Hành vi dùng mũ bảo hiểm đập mạnh vào đầu người đàn ông chết trên đường đi cấp cứu do xuất huyết não có dấu hiệu của tội cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 3, Điều 104 BLHS, hình phạt quy định là phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.
Vụ án này cần chú ý hung khí gây án là chiếc mũ bảo hiểm, xem xét dấu vết thương tích, vị trí thương tích, hậu quả thương tích, cần phải có kết luận giám định về nguyên nhân chết, nhận thức của người gây thương tích... để xác định các yếu tố chủ quan và mặt khách quan của tội phạm, từ đó mới có thể có kết luận chính xác về tội danh và đề nghị mức hình phạt.
Về bồi thường thiệt hại Điều 604 Bộ luật dân sự 2005 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
"1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.
2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”
Về cơ bản mức bồi thường sẽ do hai bên tự thỏa thuận theo tinh thần của pháp luật dân sự, tuy nhiên có nhiều trường hợp tòa án sẽ quyết định mức bồi thường theo quy định pháp luật. Điều 610 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm như sau:
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng.
2. Người xâm phạm tính mạng của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá sáu mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.”
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc