- Tôi là nhân viên bảo vệ của một trung tâm thương mại. Ngày 20/7 vừa rồi khi đang làm nhiệm vụ tại trung tâm, tôi chứng kiến một nhân viên bán hàng có hành vi ẩu đả, đánh đuổi khách hàng, với lí do khách hàng này say rượu. Thấy vậy, tôi có nhờ ba người bảo vệ khác cũng thuộc trung tâm ra khuyên ngăn, tách hai người đó ra khỏi nhau và đưa người khách ra điểm đỗ xe.

Nhưng không hiểu sao, người nhân viên bán hàng đó lại dùng một vật nặng đập vào chân khiến tôi trật cổ chân. Tức giận nên tôi đã quát mắng lại anh ta, và bị anh ta lao vào đánh đấm liên tục. Trong lúc cố gắng thoát ra khỏi người đó, chẳng may tôi dùng máy bộ đàm của mình đập vào đầu khiến đầu anh ta chảy máu. Người chủ cửa hàng vừa kịp lúc chạy ra và lu loa rằng tôi cố tình gây thương tích nhân viên của họ do tư thù cá nhân.

Xin luật sư cho biết, hành động của tôi có bị coi là cố ý gây thương tích có tổ chức không? Tôi có được coi là phòng vệ chính đáng không?

{keywords}
Tôi chỉ muốn bảo vệ bản thân mình (Ảnh minh họa)

Theo khoản 1 Điều 15 Bộ luật hình sự, phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác... mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích trên.

“Điều 15. Phòng vệ chính đáng

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự.”

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm, nhưng nếu hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại thì là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. 

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với phòng vệ chính đáng nếu thiệt hại do người có hành vi xâm phạm gây ra có thể là thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản, nhân phẩm, danh dự hoặc các lợi ích xã hội khác thì thiệt hại do người có hành vi phòng vệ gây ra là thiệt hại tính mạng hoặc sức khoẻ về cho người có hành vi xâm phạm.  

Hành vi chống trả cần thiết là không thể không chống trả hoặc bỏ qua trước một hành vi xâm phạm đến các lợi ích của mình hoặc của người khác. Ngoài ra còn phụ thuộc vào tỷ lệ thương tật vì luật quy định từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo như bạn nói bạn đã dùng máy bộ đàm để để chống trả hành vi của anh kia khiến đầu chảy máu thì bạn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự do lỗi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 106 Bộ luật hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:

"1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm."

Như vậy bạn còn phải căn cứ vào tỷ lệ thương tật của người bạn làm bị thương. Nếu tỷ lệ thương tật từ 31 % trở nên thì bạn có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, khung hình phạt là  phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)

Ban Bạn đọc