- Trong đám cưới người yêu cũ, do uống say không tự chủ được bản thân, anh trai tôi đã xô xát với chú rể, dùng dao đâm vào người chú rể 2 nhát rồi bỏ trốn. Gia đình tôi đã đến xin lỗi, thanh toán mọi chi phí và đảm bảo sẽ đền bù mọi phí tổn nếu gia đình đó yêu cầu.
Phía nạn nhân đã lên cơ quan công an ký đơn bãi nại cho anh trai tôi. Tuy nhiên phía công an điều tra lại thông báo, do anh tôi từng bị kết án treo vì tội đánh bạc (đã chấp hành xong) nên cần triệu tập xử lý và không chấp nhận đơn bãi nại của nạn nhân. Vì lí do đó, anh tôi không dám quay về nhà và đang có nguy cơ bị truy nã.
Xin hỏi luật sư, trường hợp của anh tôi có được miễn án khi gia đình nạn nhân làm đơn bãi nại không? Nếu không thì trong trường hợp anh tôi đi tự thú, mức án cao nhất anh tôi phải chịu là gì? Việc anh tôi từng chịu án treo có phải tình tiết tăng nặng cho hình phạt không?
Đi dự đám cưới người yêu cũ, anh tôi xô xát với chú rể (Ảnh minh họa) |
Thứ nhất: Hành vi cầm dao đâm nếu cố ý tước đoạt tính mạng thì có dấu hiệu của tội giết người hoặc cố ý gây thương tích.
Vụ việc trên cần xem xét, làm rõ một số hành vi, tình tiết của vụ án thì mới xác định được tội danh và mức hình phạt mà người gây án có thể bị áp dụng, cụ thể như sau: Hành vi “cầm dao, đâm…” gây thương tích cho người khác.
Với hành vi này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hung khí gây án là loại dao gì, khả năng sát thương đến đâu, tư thế cầm dao và tương quan lực lượng giữa người đâm dao và người bị đâm; làm rõ vị trí vết thương, mục đich của hành vi cầm dao đâm người thể hiện qua hành vi khách quan và ý thức chủ quan; làm rõ hậu quả của hành vi đâm dao đó…
Nếu người thân của bạn cầm dao, loại dao nhọn, có khả năng sát thương cao để đâm vào người khác, đâm vào những vị trí trọng yếu, nguy hiểm hoặc đâm vào với mục đích cố ý tước đoạt tính mạng của nạn nhân thì hành vi này có dấu hiệu của tội giết người theo quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp khởi tố về tội danh này thì người bị hại có rút đơn thì vụ án vẫn tiếp tục giải quyết và mức hình phạt cao nhất của tội danh này là tử hình, thấp nhất là 7 năm tù.
Nếu hành vi của người gây án không nhằm tước đoạt tính mạng của nạn nhân, hành vi không nguy hiểm đến mức có thể tước đoạt tính mạng của nạn nhân nhưng hậu quả vẫn gây thương tích cho nạn nhân, dù thương tích dưới 11% thì với hành vi sử dụng dao (hung khí nguy hiểm) để gây thương tích cho người khác, người thân của bạn vẫn bị xử lý về tội cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự. Khung hình phạt của tội này sẽ phụ thuộc vào tỉ lệ thương tích của nạn nhân và một số yếu tố khác.
Nếu vụ việc bị khởi tố ở khoản 1, Điều 104 BLHS thì vụ án này thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của người bị hại quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự, khi đó người bị hại rút đơn trước khi tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử thì vụ án mới chấm dứt. Còn nếu vụ án bị xử lý ở khoản 2 thì người bị hại có đơn xin bãi nại chỉ là tình tiết để giảm một phần hình phạt cho bị cáo, chứ không phải là căn cứ để đình chỉ vụ án.
Theo thông tin bạn cung cấp chưa có tỷ lệ thương tích, chưa xác định được loại hung khí, vị trí thương tích và những tình tiết khác quan trọng của vụ án nên chưa thể xác định chính xác được tội danh của người gây án. Như vậy, để khởi tố đối tượng trên về tội gì với hành vi dùng dao thì cơ quan điều tra cần làm rõ hành vi, động cơ, mục đích, hung khí… và hậu quả xảy ra thì mới có căn cứ xác định tội danh có thể khởi tố đối với người đã thực hiện hành vi nguy hiểm nêu trên.
Nếu sau này cơ quan điều tra khởi tố và truy nã bị can mà bị can trở về đầu thú thì hành vi này được coi là tình tiết để giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2, Điều 46 BLHS.
Thứ hai: Anh bạn từng chịu án treo có phải tình tiết tăng nặng cho hình phạt không
Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định về án treo như sau:
Điều 60. Án treo
1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.
2. Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó thường trú để giám sát và giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
3. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định tại Điều 30 và Điều 36 của Bộ luật này.
4. Người được hưởng án treo đã chấp hành được một phần hai thời gian thử thách và có nhiều tiến bộ thì theo đề nghị của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giám sát và giáo dục, Toà án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách.
5. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này.
Như vậy, cần xem lại xem thời gian thử thách trong vụ án trước của anh bạn đã hết chưa. Nếu anh bạn chưa hết thời gian thử thách mà lại phạm tội mới thì mức hình phạt trong vụ án trước đây sẽ chuyển thành mức hình phạt tù và cộng thêm hình phạt của tội danh mới. Ví dụ, lần trước xử 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 36 tháng.
Đến tháng thứ 30 (chưa hết thời hạn thử thách) mà bị cáo phạm tội mới, bị xử 3 năm tù thì bị cáo sẽ phải chấp hành thêm 12 tháng tù của tội trước cộng với 3 năm tù tội sau thành tổng hợp là 4 năm tù chung cho cả hai tội. Trong trường hợp anh bạn đã hết thời gian thử thách ở tội trước nhưng chưa được xóa án tích mà lại phạm tội mới thì sẽ bị xem xét tăng nặng trách nhiệm hình sự do "tái phạm".
Tư vấn bởi Luật sư Phạm Thị Bích Hảo, Công ty luật TNHH Đức An, Thanh Xuân, Hà Nội.
Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ)
Ban Bạn đọc