Cung Thiếu nhi mới với số vốn hơn 1.300 tỷ đồng vừa chính thức động thổ tại khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), dư luận đặt câu hỏi về 8.100m2 đất vàng Cung Thiếu nhi cũ ngay sát hồ Gươm sẽ làm gì?
Mới đây, dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội mới ở khu đô thị mới Cầu Giấy (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chính thức động thổ vào sáng ngày 15/3. Dự án được thực hiện trên khu đất gần 40.000m2, diện tích xây dựng hơn 10.000m2, với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng.
|
Công trình gồm nhà hát 800 chỗ, rạp chiếu phim 3D - 4D 200 chỗ, nhà thi đấu khoảng 500 chỗ - bể bơi 10 làn bơi, nhà học và thư viện Tháp Thiên văn và khối hành chính - văn phòng..., kết hợp với trang thiết bị tự động thông minh... |
Hiện UBND TP Hà Nội chưa thông tin về việc Cung Thiếu nhi cũ 8.100m2 trên “đất vàng” phố Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) sẽ được sử dụng ra sao. Các phương án cho mục đích sử dụng Cung Thiếu nhi cũ đang được Hà Nội cân nhắc kỹ nhưng hiện tại vẫn chưa có kế hoạch cụ thể.
Trao đổi với VietNamNet về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đặt vấn đề: Hà Nội từ năm 1975 đến nay đã gần nửa thế kỷ đã xây dựng cho thiếu nhi được bao nhiêu công trình?
|
Cung Thiếu nhi cũ 8.100m2 ở quận Hoàn Kiếm, nơi được ví như đất vàng, đất kim cương ở Hà Nội |
Theo ông Tùng, việc xây dựng cho thiếu nhi cung văn hoá mới là rất tốt nhưng chưa đủ. Đối với Cung Thiếu nhi cũ, hơn 8000m2 ở quận Hoàn Kiếm, nơi được ví như đất vàng, đất kim cương ông Tùng nhấn mạnh không nên chuyển đổi diện tích đất này xây chung cư hay nhà cao tầng bởi đây là công trình phúc lợi xã hội.
“Hơn nửa thế kỷ qua, biết bao thế hệ người Hà Nội đã gắn bó với Cung Thiếu nhi như ngôi nhà tuổi thơ. Hãy để Cung Thiếu nhi cũ là nhà văn hoá thiếu nhi quận Hoàn Kiếm. Không nên chuyển đổi mục đích ở đây. Đây vẫn sẽ là sân chơi cho thiếu nhi, trở thành địa chỉ văn hoá mang tính lịch sử và càng có ý nghĩa khi trong những năm 70 đầy khó khăn của đất nước chúng ta vẫn dành những tình cảm yêu thương nhất cho thiếu nhi” – ông Tùng nói.
|
Cung Thiếu nhi Hà Nội có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ, gắn bó với nhiều thế hệ thiếu nhi, người dân Thủ đô. Nơi đây chứa đựng những công trình kiến trúc rất đặc trưng của Hà Nội như biệt thự Pháp và kiến trúc kiểu Xô viết |
|
Cung Thiếu nhi Hà Nội cũ tọa lạc trên “đất vàng” phố Lý Thái Tổ, “3 bước chân” là ra tới hồ Hoàn Kiếm, cạnh nhiều trụ sở, khách sạn Metropole… |
|
“Đúng là nên xây những chỗ vui chơi, học tập cho thiếu nhi khi mật độ người dân ở Hà Nội ngày càng tăng. Tuy nhiên khi xây Cung Thiếu nhi mới thì không nên bỏ Cung Thiếu nhi cũ vì cũng không thừa, hơn nữa nó là nơi ghi dấu ấn lịch sử, gắn liền với ký ức của người Hà Nội”, chú Dũng (63 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ |
|
Đây là nơi lưu giữ nhiều hoài niệm, tầng ký ức thời thơ ấu của thế hệ 7x, 8x cho đến 9x, là nơi ươm mầm tài năng, chắp cánh ước mơ của hàng vạn trẻ em |
|
Nhiều người dân Thủ đô bày tỏ, họ vẫn muốn Cung Thiếu nhi cũ tiếp tục là ngôi nhà của trẻ thơ, nơi học tập vui chơi của thiếu nhi, không quy ra mét vuông để tính giá trị thành tiền đối với công trình này |
|
Khối nhà biệt thự mang đậm kiến trúc Pháp |
|
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam không nên đặt vấn đề chuyển đổi xây chung cư hay nhà cao tầng tại Cung Thiếu nhi cũ |
|
"Cung thiếu nhi vẫn sẽ là sân chơi cho trẻ em, trở thành địa chỉ văn hoá mang tính lịch sử và càng có ý nghĩa khi trong những năm 70 đầy khó khăn của đất nước chúng ta vẫn dành những tình cảm yêu thương nhất cho thiếu nhi” – ông Tùng nói |
Hoài Nam
Tạm dừng thu hồi sổ đỏ căn hộ Mường Thanh, giao dịch bất động sản từ 300 triệu đồng phải báo cáo Bộ Xây dựng, long đong số phận khu đất vàng Hồ Gươm… là những tin bất động sản nổi bật tuần qua.