Tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) bổ sung nguyên tắc sử dụng lao động chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi) là chỉ được làm những công việc phù hợp với sức khỏe để bảo đảm sự phát triển thể lực, trí lực và nhân cách. Chủ lao động phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

{keywords}
Lao động chưa thành niên là đối tượng dễ bị tổn thương, lạm dụng, chuyên gia của Unicef khuyến nghị bổ sung quy định cấm sử dụng những người này làm giúp việc gia đình.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về việc sử dụng lao động chưa đủ 15 tuổi. Theo đó, người sử dụng lao động phải tuân thủ quy định ký kết hợp đồng lao động với người đại diện theo pháp luật và được sự đồng ý của người chưa đủ 15 tuổi, phải có giấy khám sức khỏe xác nhận sức khỏe phù hợp với công việc. Lao động này chỉ được làm những công việc nhẹ do Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội quy định.

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động phải bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập. Đặc biệt, người sử dụng lao động không được tuyển dụng và sử dụng người chưa đủ 13 tuổi làm việc, trừ công việc nghệ thuật, thể dục và thể thao và phải có sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

Các chuyên gia của Unicef (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc) cho rằng, cần định nghĩa về "công việc nhẹ" phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, là công việc không nguy hiểm đến sức khỏe hay sự phát triển thể lực của người chưa thành niên và không ảnh hưởng việc học tập.

Và khuyến nghị, nên cấm sử dụng lao động chưa thành niên giúp việc gia đình. Để phòng tránh rủi ro, một số quốc gia trên thế giới đã xếp công việc này vào nhóm công việc nguy hiểm cho người chưa thành niên. Một số quốc gia như Philippines, Malaysia cấm người dưới 15 tuổi làm công việc giúp việc gia đình.

Tại hội thảo tham vấn những nội dung sửa đổi, bổ sung về lao động chưa thành niên trong dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chứ vừa diễn ra tại Hà Nội hôm 7/10, đánh giá về những điểm mới được đưa vào sửa đổi tại Bộ luật Lao động sửa đổi, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc cho rằng, dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi đã bổ sung nhiều điều khoản mới đóng vai trò trọng yếu trong việc hiện thực hoá quyền trẻ em.

Tuy nhiên, Dự thảo có những nội dung chưa thực sự tuân thủ với Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, Công ước 128 của ILO về tuổi lao động tối thiểu; Công ước 182 của ILO về Những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. “ Điều 3 định nghĩa “người lao động” là người làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.

Đáng chú ý dự thảo đã bổ sung khái niệm “người lao động không có quan hệ lao động” nhưng những giới hạn về sử dụng lao động trẻ em tại Chương XI chỉ áp dụng quan hệ lao động chính thức giữa “người lao động” chưa thành niên và người sử dụng lao động” – bà Lê Hồng Loan – Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em Unicef nhận định.

Để bảo vệ lao động chưa thành niên, Unicef khuyến nghị cần có những chế tài mạnh hơn đối với những đối tượng vi phạm, đặc biệt là những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Để có thể xử phạt được thì phải có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn.

Hiện tại, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) không cấm việc này, tuy nhiên, có nhiều quy định riêng đối với lao động là người giúp việc gia đình, như nghiêm cấm ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là giúp việc gia đình; giao việc cho người giúp việc không theo hợp đồng và giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

Trước ý kiến đóng góp của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng, trước những bất cập trong quá trình thực thi Bộ Luật Lao động đặt ra yêu cầu phải sửa đổi để bảo vệ quyền lợi người chưa thành niên tốt hơn.

Trong đó có một số vấn đề xin ý kiến và đánh giá tác động kĩ trước khi sửa đổi, đó là: Làm thế nào để các quy định của Bộ luật có thể được áp dụng nhằm phòng, chống tốt hơn vấn đề lao động trẻ em ở khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động; Cần phải sửa đổi, bổ sung nội dung cụ thể nào để bảo đảm thực hiện đúng các tiêu chuẩn lao động quốc tế về việc sử dụng lao động dưới 15 tuổi, đặc biệt là trường hợp sử dụng lao động dưới 13 tuổi; Những nội dung nào cần hoàn thiện nhằm bảo đảm tốt hơn việc xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, không chỉ trong khu vực chính thức mà ở cả khu vực phi chính thức, khu vực không có quan hệ lao động.

Hằng Trần