Ngày 1/3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Thêm điều hay nhưng... bất khả thi
Nội dung được thảo luận nhiều nhất là quy định về quyền con người, công dân. Các đại biểu nhận định, việc dự thảo Hiến pháp đưa chương về quyền con người, công dân từ chương 5 lên chương 2 là một bước tiến bộ.
Một số quyền bổ sung trong dự thảo được đánh giá là mới mẻ, nhân văn nhưng... bất khả thi. Chẳng hạn, quy định mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành. Theo TS. Nguyễn Văn Cương, Phó viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, quy định này rất khó thực hiện "trong bối cảnh phát triển kinh tế, với quá trình công nghiệp hóa, khai thác khoáng sản... như hiện nay".
Chung quan điểm trên, Bí thư Đoàn ĐH Luật Hà Nội Trần Ngọc Định cho rằng việc đưa vào các quyền không thực hiện được có thể làm mất sự tôn nghiêm của Hiến pháp.
Liên quan đến điều 26 về quyền tự do ngôn luận, báo chí, biểu tình..., ông Định nhận xét, sử dụng cụm từ "theo quy định pháp luật" có thể dẫn đến cách hiểu mù mờ và tạo điều kiện cho các cơ quan ban hành luật giải thích theo ý muốn chủ quan. Vì vậy, những nguyên tắc về tôn trọng quyền và tự do của con người "chỉ được trao cho Quốc hội quyền ban hành việc thực hiện như thế nào, giới hạn, phạm vi ra sao".
Dẫn ra điều 21 mới được đưa vào dự thảo, “mọi người có quyền được sống”, TS Đỗ Thị Vân Anh, ĐH Công đoàn, cho rằng nên cân nhắc khái niệm "mọi người" và "công dân". Bởi nếu coi đó là quyền của mọi người thì "chúng ta sẽ phải bỏ án tử hình vì không có quyền thi hành án với tử tù".
Không lấy chế độ tập thể che lấp trách nhiệm cá nhân
TS Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh sự lạc hậu, gây chậm trễ, mất thời gian của mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo 3 cấp: tỉnh, huyện, xã; mỗi cấp đều tổ chức HĐND và UBND. Theo ông, đây là mô hình tồn tại từ thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung.
Khi chuyển sang cơ chế thị trường, nhà nước từ vai trò "chủ cuộc chơi" kinh tế chuyển sang chỉ còn là một trong những "người chơi". "Muốn "chơi" tốt thì tính phản ứng chính sách, năng động trong điều hành rất quan trọng", ông Cương nhận định.
Đặc biệt, tại các đô thị năng động, mô hình này càng bộc lộ sự không phù hợp. Chẳng hạn, TP.HCM, Đà Nẵng nhiều năm nay tha thiết đề nghị phải cho họ cơ chế để thiết lập một chính quyền đô thị năng động hơn, có sự khác biệt nhất định với nông thôn.
Tiến sĩ Cương nhận định: "Mô hình hiện tại của chúng ta, UBND vận hành theo chế độ tập thể. Như vậy phân định trách nhiệm cá nhân và tập thể là vô cùng khó. Cần phải có cách thức xử lý rõ ràng trách nhiệm của người đứng đầu. Không lấy chế độ tập thể che lấp trách nhiệm cá nhân".
Ông Cương đề xuất, Hiến pháp chỉ nên quy định tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ bắt buộc thành lập HĐND. Còn các cấp bên dưới có thể chỉ là cơ quan hành chính, và thành lập HĐND hay không là do luật định. Đồng thời, ông Cương cũng đề xuất bỏ thuật ngữ UBND, thay thế bằng thuật ngữ cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.
Ngoài ra, trong vấn đề phân chia địa giới hành chính, theo ông Cương, Hiến pháp sửa đổi nên chấp nhận cả khả năng có thành phố trong thành phố trực thuộc TƯ (chẳng hạn thành phố Sơn Tây trong thành phố Hà Nội). "Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, còn đơn vị hành chính lãnh thổ trong tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thì do luật định", TS Cương đề xuất.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng việc dự thảo Hiến pháp bỏ điều 66 về vai trò của thế hệ trẻ, tổ chức đoàn, hội thanh niên trong xã hội, trong sự phát triển của đất nước là một bước thụt lùi.
Trong khi, lực lượng từ 0-30 tuổi chiếm đến hơn 50% dân số cả nước. Hiện các nước trên thế giới quan niệm thế hệ trẻ vừa là chủ nhân trong tương lai, vừa là chủ nhân hiện tại của đất nước. Như vậy không thể bỏ điều 66.
Mỹ Hòa