- Bộ trưởng VH-TT-DL cho hay đang xem xét việc phong tặng danh hiệu cho diễn viên hài Văn Hiệp. Ngoài các trường hợp được phong tặng theo quy định, cũng cần có đặc cách.

Sáng nay (26/4), UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đã tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn.

Liên quan đến đề nghị phong tặng danh hiệu cho diễn viên hài Văn Hiệp, Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho hay, Bộ đang xem xét bởi ngoài các trường hợp được phong tặng theo quy định thông thường, cũng cần có trường hợp đặc cách.

“Tất nhiên cũng không thể xét đặc cách quá nhiều vì cũng có những trường hợp được Nhà nước phong tặng mà họ lại không nhận”, ông Tuấn Anh nói.

'Quỵt' tác quyền âm nhạc

Nhiều ĐBQH đã truy vấn Bộ trưởng về vấn đề “quỵt” tiền tác quyền âm nhạc.

Mở đầu phiên họp, ĐBQH Dương Trung Quốc nêu câu hỏi về “lùm xùm” nổi lên thời gian qua, đó là giới nhạc sĩ đã nhiều lần đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn bắt buộc các đơn vị tổ chức biểu diễn phải thực hiện nghĩa vụ trả tiền bản quyền tác giả trước khi cấp phép nhưng rồi vẫn không thực hiện.

{keywords}
ĐB Đàng Thị Mỹ Hương. Ảnh: Minh Thăng

Chung thắc mắc trên, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương đề nghị làm rõ thêm vì sao đến nay Bộ vẫn chưa đưa vấn đề ràng buộc trên trong điều kiện cấp phép.

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương giải thích, vấn đề trả tiền bản quyền tác giả vẫn được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Vì vậy, trong quá trình thảo luận, lãnh đạo ngành văn hóa cho rằng không cần chứng minh thêm về bản quyền tác giả trong quá trình xét duyệt cấp phép biểu diễn.

Cục trưởng nói thêm, vướng nhất hiện nay là do chưa có khung quy định trả tiền tác quyền, nhất là lĩnh vực âm nhạc. Vậy nên giữa bên thu tiền và bên sử dụng nhạc chưa thống nhất được với nhau, vẫn chỉ là chuyện bên đòi cao, bên trả thấp.

Ngay bản báo cáo của Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng thừa nhận, lấn cấn nhất hiện nay là chưa có khung quy định cụ thể về trả tiền bản quyền tác giả cho từng đối tượng, từng loại hình nghệ thuật. Việc chi trả tiền bản quyền hoàn toàn dựa trên thỏa thuận dân sự giữa các cá nhân.

ĐBQH Dương Trung Quốc cho rằng giải trình như vậy chưa thỏa đáng. Trách nhiệm của cơ quan quản lý là cấp phép nhưng nếu chỉ cho phép mà không giám sát việc triển khai thì cũng không có bao nhiêu ý nghĩa. Với quy định hiện tại, vô hình trung Bộ Văn hóa đã dung túng cho sai phạm của các doanh nghiệp tổ chức sự kiện. Bởi thực tế nhiều DN tuy đã cam kết trả tiền cho tác giả nhưng họ vẫn cứ sử dụng bài hát trong chương trình mà không trả tiền.

Ông Nguyễn Đăng Chương tiếp tục, “chúng tôi đang xây dựng khung chi trả tiền để có cơ sở cho các bên tự thỏa thuận. Khi đó sẽ tháo gỡ được dứt điểm chuyện gây tranh cãi nói trên. Cục Nghệ thuật biểu diễn vẫn thường xuyên yêu cầu các cơ quan trước khi cấp phép phải rà soát cụ thể từng đơn vị”.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tiếp lời, theo một thống kê gần đây thì trong năm 2011 có tới 90% số buổi biểu diễn ở phía Bắc không xin phép tác giả.

 

{keywords}
Bộ trưởng VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh. Ảnh: Lê Anh Dũng

“Sắp tới chúng tôi sẽ ban hành khung tiền. Còn trong thực hiện, nếu các văn bản luật có điểm nào chưa chặt chẽ thì sẽ được xem xét, chỉnh sửa”, ông Tuấn cam kết.

Tiếp tục lắc đầu trước phần giải đáp thêm của Bộ trưởng, ĐB Dương Trung Quốc lần thứ ba đứng lên nói: “Tại sao cũng là một bài hát, nếu ca sĩ khi thỏa thuận mà không trả cho họ đủ số tiền thì họ sẽ không nhận show? Nhưng với nhạc sĩ sáng tác thì cho dù họ không đồng ý cho sử dụng bài hát nhưng mà vẫn bị người ta hát?”.

Ông Quốc đề xuất với chương trình biểu diễn nào không tuân thủ quy định tác quyền thì nên cấm chứ không phải là cứ để cho các bên tự thỏa thuận.

Chuyện tác quyền vẫn tiếp tục “nóng” sau phiên giải lao, với hàng loạt băn khoăn khác như, cho đến nay đã có bao nhiêu nhạc sĩ khởi kiện, rồi bao nhiêu vi phạm bị phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành văn hóa thừa nhận, chưa hề có vụ khởi kiện nào vì thủ tục tương đối rắc rối.

Chủ nhiệm UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng QH Đào Trọng Thi đành “chốt” lại, đây là câu chuyện dài, không thể giải quyết ngay trong một phiên họp.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cũng hứa, “xin QH cho chúng tôi cùng ngồi lại với Bộ Tài chính để soạn thảo khung chi trả . Chứ cứ lung tung thế này rất khó”.

Giáo dục người mẫu mặc xuyên thấu

Nhiều sai phạm khác trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật cũng được chất vấn tại phiên họp. Ngay kết quả giám sát của UB Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng cũng cho thấy cơ quan chức năng ở các thành phố lớn không thể duyệt hết các chương trình biểu diễn. Chẳng hạn TP.HCM chỉ duyệt được 70/300 chương trình ca múa nhạc và thời trang.

Theo phản ánh của các ĐBQH, hoạt động biểu diễn nghệ thuật vừa qua bộc lộ nhiều hạn chế như: biểu diễn không có giấy phép, không đúng chương trình, làm giả hợp đồng, tổ chức biểu diễn thiếu tính thẩm mỹ, phản cảm, hát nhép…

Có ĐBQH còn đề nghị làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý khi liên tiếp để xảy ra tình trạng giới showbiz ăn mặc hở hang, trang phục xuyên thấu tới các sự kiện, điển hình là vụ việc của người mẫu Diệp Lâm Anh, Hồng Quế…

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh phân trần, để xảy ra những vụ việc đáng tiếc nói trên cũng một phần do sơ suất trong quá trình cấp phép. Qua thanh tra, kiểm tra, nhiều đơn vị tổ chức đã bị buộc phải xử lý kiểm điểm nghiêm túc.

“Việc giáo dục đạo đức cho người mẫu, diễn viên vẫn phải được làm thường xuyên cùng với các chế tài xử lý. Sắp tới đây ngành văn hóa sẽ tổng kết vấn đề này”, ông Tuấn Anh nói.

Lê Nhung