Ấn Độ đang cáo buộc Trung Quốc xâm nhập sâu qua biên giới tại vùng núi Ladakh thuộc dãy Himalaya. Áp lực ngoại giao lần nữa khiến quan hệ giữa hai người khổng lồ châu Á trở nên căng thẳng.

>> Ấn Độ điều thêm quân đến biên giới TQ
>> Ấn Độ cảnh giác kế hoạch tàu sân bay hạt nhân TQ

{keywords}
Lính Ấn Độ ở vùng núi Ladakh. Ảnh: Reuters

Theo Bộ Ngoại giao Ấn Độ, quân đội hai nước đang dựng trại đối diện nhau không xa ở khu vực Ấn Độ tuyên bố chủ quyền. Các phương tiện truyền thống Ấn Độ cho biết, t 15/4, một trung đội Trung Quốc (PLA) khoảng 50 người đã tiến sâu 10km vào lãnh thổ Ấn Độ. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc, nói rằng binh lính của họ không xâm phạm qua biên giới giữa hai nước.

Những vụ xâm nhập xuyên biên giới hiếm khi dẫn tới đụng độ. Song báo chí và phe đối lập ở Ấn Độ sẽ tạo ra áp lực, có thể buộc New Delhi thực hiện lối tiếp cận ngoại giao thận trọng hơn với Bắc Kinh. 

"Động thái này - vụ xâm nhập biên giới - không nên được coi là sự kiện có thể dẫn tới đối đầu quân sự", ông C.Uday Bhaskar, cựu đề đốc hải quân cũng là nhà phân tích quốc phòng hàng đầu Ấn Độ cho biết.

"Nhưng chắc chắn nó là nguyên nhân gây ra sự bất an. Đó là thách thức lớn về cơ chế chính trị trong giải quyết vấn đề giữa hai nước" - ông cho hay.

Ngoại trưởng Ấn Độ Ranjan Mathai đã triệu Đại sứ Trung Quốc để phản đối việc xâm phạm lãnh thổ Ấn Độ và và yêu cầu binh lính nước này rút lui. Hai cuộc gặp trong khu vực đã diễn ra giữa chỉ huy quân sự địa phương của hai phía. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không lui quân. 

"Điều này phản ánh sự quả quyết của Trung Quốc đối với các láng giềng, cũng giống như trên đại dương với Philippines và Nhật Bản", Brahma Chellaney thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi nhận định.

"Đây là sự khiêu khích nghiêm trọng và Ấn Độ sẽ phải đảm bảo rằng, hoặc lính Trung Quốc rút lui hoặc có thể dẫn tới đụng độ vùng biên".

Theo Dibyesh Anand, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Westminster của London, có vẻ như không có lý do rõ ràng cho việc Trung Quốc leo thang căng thẳng với Ấn Độ trong thời điểm này.

Gần đây, quan hệ của Trung Quốc với Ấn Độ có chiều hướng tích cực, kể c khi Bắc Kinh có những khúc mắc với các láng giềng khác ở Đông Á xung quanh chuyện tranh chấp lãnh thổ. Hai người khổng lồ châu Á đã bắt đầu cuộc đối thoại mới về chống khủng bố và tương lai của Afghanistan. Thủ tướng mới của Trung Quốc, ông Lý Khắc Cường, còn dự kiến thăm Ấn Độ trong tháng 5 - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông kể từ khi đảm nhận chức vụ mới hồi tháng 3.

"Trung Quốc đã có rắc rối với các nước ở Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản. Quan hệ Trung - Ấn khá ổn định và không cần thiết để Trung Quốc gia tăng căng thẳng" - GS Dibyesh Anand nhận định

Đường biên giới dài giữa Trung Quốc và Ấn Độ hiện vẫn còn tranh chấp, trong một số trường hợp đã tạo nên sự chồng lấn về tuyên bố chủ quyền trên dải đất rộng lớn. Một thỏa thuận được ký kết năm 1993 nhằm duy trì hòa bình xuyên qua Đường Kiểm soát Thực tế. Đàm phán hoạch định ranh giới biên giới giữa hai nước diễn ra từ nhiều năm qua, đến nay vẫn chưa đi đến kết quả cuối cùng. Dù vậy, ít nhất hai bên nhất trí không để vấn đề làm chệch hướng quan hệ song phương.

Chính phủ Ấn Độ đã bày tỏ sự tin tưởng trong nỗ lực giải quyết vấn đề theo thỏa thuận năm 1993. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mô tả các cáo buộc là sai lầm nhưng cũng khẳng định quan điểm củng cố quan hệ với Ấn Độ.

Trong hàng nghìn năm quá khứ, các vương triều ở Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tách rời nhau bởi dãy Himalaya. Sau những năm phát triển kinh tế nhanh chóng, hai nước giờ đây đã có nhiều nguồn lực để củng cố và kiểm soát các khu vực xa xôi hẻo lánh nhất.

Ấn Độ cảm thấy bị rào giậu bởi các thỏa thuận của Trung Quốc với một số nước láng giềng, dù những thỏa thuận ấy không nghiêm trọng về mặt quân sự nhưng có thể là đòn bẩy trong một cuộc xung đột.

Một số người trong chính phủ Trung Quốc lại lo lắng, Ấn Độ đang trở thành một phần trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ. Mỹ đã bán 8 tỉ USD vũ khí cho Ấn Độ - nước dự kiến chi tiêu 100 tỉ USD trong vòng 10 năm để hiện đại hóa quân sự.

Hai quốc gia có lẽ sẽ không đi đến chiến tranh, nhưng sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự ở vùng biên giới khi sức mạnh và sự chồng chéo lợi ích của họ gia tăng.

Thái An (theo csmonitor)