Cuộc khủng hoảng nguy hiểm nhất của châu Á - Thái Bình Dương có thể không tính đến những mối đe dọa từ Triều Tiên. Khi các trang nhất báo chí bám sát từng tin tức, động thái của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un thì sự bế tắc giữa Trung Quốc và Nhật Bản bị lãng quên.

Vào lúc căng thẳng leo thang ở Hoa Đông thì các nhà phân tích, báo giới và cả doanh nhân đều chung hai câu hỏi: Nhật và Trung Quốc có thực sự "bỏ qua" quần đảo Senkaku/Điếu Ngư? Liệu Mỹ có thực sự cho phép chính họ bị cuốn vào một cuộc xung quanh vì tranh chấp những đảo đá không có người ở?

{keywords}
Tàu hải giám TQ ở Hoa Đông. Ảnh: arabnews

Với Bắc Kinh, cuộc xung đột với Nhật Bản về Senkaku/Điếu Ngư phục vụ cho hai mục tiêu vượt ra hẳn phạm vi của chính quần đảo.

Tận dụng cơ hội

Cái gọi là bảo vệ lãnh thổ Trung Quốc chống lại "chủ nghĩa đế quốc Nhật" mà Trung Quốc vẫn tuyên truyền là một chiến thắng chính trị của Bắc Kinh trong giai đoạn chuyển giao lãnh đạo. Thông tin về việc ông Tập Cận Bình đảm đương quản lý các nỗ lực của Trung Quốc tại Hoa Đông xuất hiện trước thềm đại hội đảng 18 (tháng 11/2012) không còn là điều ngạc nhiên. Chuyện Tokyo mua ba trong số nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi tháng 9 đã cung cấp cho Bắc Kinh cơ hội vàng để tự thể hiện vai trò đảm bảo an ninh Trung Quốc khi đối mặt với những mối đe dọa nước ngoài. Dĩ nhiên, lãnh đạo mới của Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội ấy.

Bắc Kinh không chỉ nhìn nhận đó là cơ hội để giành chiến thắng chính trị trong nước, mà còn theo đuổi những thiết kế và mục tiêu lớn hơn tại châu Á. Trung Quốc dường như đã chán ngấy với một trật tự quốc tế Mỹ dẫn dắt thời hậu chiến và muốn lần nữa phục hưng vị thế lịch sử từng có như một "cường quốc trung tâm". Dĩ nhiên thời hiện đại, Bắc Kinh sẽ phải trông chờ vào sức mạnh thực sự chứ không phải trong vai trò "sứ giả nhà trời". Như cựu ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì từng buột miệng nói với người đồng cấp Singapore năm 2010 rằng: "Trung Quốc là một nước lớn, và các nước khác là nước nhỏ, đây là sự thực".

Các nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm thay đổi thực tế trên mặt đất (hay trên biển) xung quanh Senkaku/Điếu Ngư là một phần và một kiểu cố gắng tạo lập thứ trận tự mới - thứ trật tự mà trong đó luật pháp quốc tế được hiểu và áp dụng chỉ khi nó phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc; thứ trật tự mà Trung Quốc không chỉ có sức mạnh quân sự để chèn ép, thị uy láng giềng mà còn có thể rũ bỏ trách nhiệm đã làm như vậy. Bằng việc theo đuổi các chính sách ngày càng đối đầu ở Hoa Đông và Biển Đông, Trung Quốc có mọi chọn lựa nhưng lại lãng quên đi các giải pháp hòa bình giải quyết vấn đề của khu vực. Những lối tiếp cận ngoại giao dường như chỉ được được vận dụng khi rõ ràng các bên liên quan trong tranh chấp lãnh thổ không sẵn sàng nhượng bộ các yêu cầu của Trung Quốc.

Lập trật tự mới

Trong trường hợp ở Senkaku/Điếu Ngư, Trung Quốc đã bỏ qua hai cơ hội để làm dịu đi căng thẳng. Một trong những hành động đầu tiên của ông Shinzo Abe khi trở thành Thủ tướng Nhật là cử phái viên đến Bắc Kinh với bức thư riêng gửi cho ông Tập Cận Bình. Trong khi bức thư không đưa ra những đề xuất cụ thể để tháo gỡ tình hình ở Hoa Đông thì ít nhất nó cũng đánh dấu một lời đề nghị, một sự thương lượng ngoại giao. Nhưng Bắc Kinh không có phản ứng nào đáng kể.

Hồi tháng 2, việc Tokyo lên tiếng cáo buộc tàu chiến Trung Quốc ngắm bắn rađa vào tàu chiến Nhật Bản trong vùng biển gần quần đảo tranh chấp lần nữa cung cấp cho Bắc Kinh cơ hội thể hiện thiện chí. Bắc Kinh có thể công khai khiển trách vị thuyền trưởng tàu chiến của mình, để rõ ràng thể hiện mong muốn khôi phục ổn định ở Hoa Đông. Thay vào đó, Trung Quốc lại phủ nhận. Dường như Bắc Kinh ít quan tâm tới việc giảm dần lập trường đối đầu của họ.

Dĩ nhiên, các hành động của Trung Quốc ở Hoa Đông không chỉ nhằm vào Nhật Bản. Giống như một số nơi khác ở châu Á, Trung Quốc muốn thách thức các cam kết của Mỹ với đồng minh. Mặc dù ngoại trưởng Mỹ năm ngoái là bà Hillary Clinton đã phát đi một tín hiệu lạc quan với khu vực bằng tuyên bố, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi hiệp ước liên minh Mỹ - Nhật, nhưng Washington có vẻ không thích lâm vào rắc rối. Sự đảm bảo của bà Clinton không được khẳng định công khai khi Thủ tướng Abe thăm Washington hồi tháng 2. Thực tế là trong suốt cuộc họp báo chung, Tổng thống Mỹ Obama thậm chí không hề bóng gió tới sự bế tắc Trung - Nhật trên biển. Tận dụng chuyện này, báo chí Trung Quốc lý giải rằng người Mỹ đã "lạnh nhạt" với Nhật.

Khi Philippines và Trung Quốc đụng độ tại bãi cạn Scarborough năm ngoái, Washington cũng khẳng định Manila là đồng minh thân cận, nhưng lại không tiến hành những hành động cụ thể nhằm tránh một kết quả cuối cùng bất lợi: Trung Quốc chiếm hữu bãi cạn.

Và như vậy, kể cả khi chính quyền Obama tuyên bố chiến lược xoay trục về châu Á, thì các đồng minh của Mỹ ở châu lục này cũng bất an rằng: Mỹ không còn tiếp tục sẽ là đối tác kiên định như đã từng trong quá khứ. Hơn thế nữa, việc Trung Quốc tăng cường các khả năng quân sự đang tạo ra thêm nhiều khó khăn với các lực lượng Mỹ hoạt động ở Tây Thái Bình Dương. Nếu Mỹ không có cách giải quyết toàn diện tình hình này và thuyết phục các đồng minh rằng, các cam kết đưa ra là không lay chuyển, thì Trung Quốc sẽ tiếp tục quả quyết, gây hấn và hung hăng hơn, sẽ thiên về chọn lựa áp chế, thị uy bằng sức mạnh để đạt được mục tiêu cuối cùng. Đó là trật tự Trung Quốc thống trị ở châu Á.

* Phần 2: Vai trò Mỹ và mục tiêu của Nhật

Thái An (theo  American Enterprise Institute)