Sau một vụ việc bế tắc kéo dài gần một tháng, Trung Quốc và Ấn Độ đã bắt đầu rút quân khỏi vùng lãnh thổ tranh chấp gần biên giới trong khu vực Ladakh thuộc dãy Himalaya.

{keywords}

Ảnh: postwesternworld

Lý giải điều này, giới phân tích cho rằng, Trung Quốc có nhiều thứ để làm với Ấn Độ hơn là một cuộc đụng độ biên giới - nơi mà cựu Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru mô tả rằng "không có một ngọn cỏ mọc".

"Chúng tôi có vấn đề về biên giới, không thể phủ nhận nó. Nhưng chúng tôi muốn giải quyết. Có thể phải mất thời gian, nhưng chúng tôi không muốn ảnh hưởng tới quan hệ của mình", Kong Can, phụ trách Trung tâm Nghiên cứu phát triển tại tỉnh Vân Nam, cũng là quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền Trung Quốc nói. Kong Can muốn thương mại biên giới với Ấn Độ phát triển mạnh, như cách Trung Quốc làm với một số nước láng giềng.

Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ: hai bên đã nhất trí về mục tiêu thương mại song phương mới trị giá 100 tỉ USD tới năm 2015 so với 66 tỉ USD năm 2012. "Khối lượng giao dịch có thể tăng hơn nữa nếu chúng ta phát triển mạnh thương mại biên giới", Kong Can nói.

Với hơn 1/3 dân số thế giới sinh sống ở Ấn Độ và Trung Quốc, hai nước lớn ở châu Á này có thể "trở thành khối thương mại khổng lồ", Lí Chu thuộc ĐH Tài chính Kinh tế Vân Nam đánh giá. Vân Nam là một tỉnh cửa ngõ Trung Quốc nên việc thúc đẩy quan hệ thương mại, văn hóa với các nước láng giềng ở Đông Nam Á và Nam Á là rất quan trọng.

"Từ Vân Nam, chúng tôi đang phát triển một mạng lưới tổng thể đường bộ, đường sắt và đường thủy tới Việt Nam, Lào, Thái Lan và Myanmar", cộng sự của Kong Can là ông Dương Diệp cho biết. Theo ông, Trung Quốc cũng đang xem xét việc mở lại Stillwell Road - con đường dài hàng nghìn cây số mà đồng minh sử dụng để tiếp viện cho Trung Quốc thời Thế chiến II. Con đường này bắt đầu từ bang Assam của Ấn Độ, đi qua nhiều cánh rừng rậm rạp ở bang Arunachal Pradesh và bang Kachin (Myanmar) trước khi đến Vân Nam.

Tuy nhiên, Ấn Độ đã đặt ra những vấn đề an ninh về việc mở lại con đường này.

Ông Dương nói rằng, Trung Quốc chú tâm đến việc phát triển các mạng lưới vận tải từ Vân Nam đến phía đông Ấn Độ và Bangladesh. Còn ông Kong cho hay, Trung Quốc tìm kiếm "đầu tư của Ấn Độ ở Vân Nam, nhất là trong lĩnh vực dược phẩm và công nghệ thông tin". Ông này bày tỏ vui mừng được chứng kiến một lãnh sự quán Ấn Độ mở ở Côn Minh.

Bên cạnh việc thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh doanh, Trung Quốc còn muốn thắt chặt quan hệ với Ấn Độ vì những lý do khác. Nếu quan hệ Trung - Ấn trở nên tồi tệ hơn, Ấn Độ có thể đi theo con đường rõ ràng hướng về phía Mỹ. Và điều đó khiến Bắc Kinh lo lắng.

"Nếu chúng tôi có quan hệ xấu, thì sẽ có nhiều người tận dụng cơ hội này", Chu Vân Tường phụ trách nhóm nghiên cứu các tiểu vùng ở Vân Nam nói.

Nhà quan sát Binoda Mishra ở Trung tâm nghiên cứu Phát triển và Quan hệ Quốc tế tại Calcutta cho rằng, chính sách của Trung Quốc với Ấn Độ "dường như có nhiều sắc thái hơn so với sự hình dung của New Delhi".

"Giới chỉ huy quân sự có thể thúc đẩy vấn đề biên giới để tìm kiếm lợi thế chiến thuật nhưng các nhà lãnh đạo hàng đầu ở Bắc Kinh lại nhận thức được tầm quan trọng của Ấn Độ như một thị trường trỗi dậy và là nhân tố cân bằng ở châu Á", ông nói.

Thái An (theo BBC)