- Do Bộ trưởng Tài chính đã được giao nhiệm vụ khác nên QH sẽ bầu Bộ trưởng mới. Lần này cũng có sự điều chuyển thay Tổng Kiểm toán - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho hay.

>> Ông Nguyễn Bá Thanh làm Trưởng ban Nội chính TƯ
>> Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh phụ trách Bộ Tài chính

Thông tin được Chủ tịch QH đưa ra tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH sáng nay khi góp ý về nội dung chương trình kỳ họp QH khai mạc tuần tới. Dự kiến, QH sẽ bố trí riêng một ngày để bàn công tác nhân sự.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (trái) đang phụ trách công việc ở Bộ Tài chính thay ông Vương Đình Huệ (phải) - người đã nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Kinh tế TƯ. Ảnh: Lê Anh Dũng

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu cụ thể hơn, theo quy trình, Thủ tướng sẽ đề nghị miễn nhiệm Bộ trưởng Tài chính cũ và QH sẽ đề nghị miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Các ủy viên Thường vụ cũng nhấn mạnh công tác nhân sự nên được chuẩn bị kỹ.

Hiện nay, do ông Vương Đình Huệ đã chuyển sang làm Trưởng Ban Kinh tế TƯ nên chức danh Bộ trưởng Tài chính vẫn còn để khuyết, đợi QH bầu bổ sung vào kỳ họp này. Còn vị trí Tổng Kiểm toán Nhà nước hiện nay do ông Đinh Tiến Dũng đảm nhận.

Đánh giá tín nhiệm phải độc lập chính kiến

Liên quan đến quy trình lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên được tiến hành tại QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, dự kiến sẽ giảm thời gian thảo luận riêng tại các đoàn.

Theo đó, ngày 10/6, các đại biểu sẽ có một nửa của buổi chiều để thảo luận (nếu có) ở các đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn.

Ngày 11/6, Thường vụ sẽ nghe báo cáo tổng hợp thảo luận ở các đoàn (nếu có). Ngay sau đó, tại phiên họp toàn thể, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình bày lại bản báo cáo này (nếu có) cũng như các báo cáo khác có liên quan.

Tiếp đó, QH sẽ bầu ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH và các thành viên khác của Thường vụ; Thủ tướng, các Phó Thủ tướng và các thành viên khác của Chính phủ; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Chiều cùng ngày, Ban kiểm phiếu sẽ công bố kết quả. Ngày hôm sau, QH sẽ thông qua nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Ban Công tác đại biểu đề nghị chỉ bố trí thảo luận ở các đoàn khi Thường vụ thấy cần thiết. Bởi có thể đại biểu sẽ không có yêu cầu làm rõ hay xác minh các vấn đề liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm hoặc nếu có thì sẽ không đủ thời gian để người được lấy phiếu và các cơ quan có thẩm quyền giải trình, làm rõ.

Việc trình bày báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở đoàn và báo cáo kết quả xác minh, giải trình về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu chỉ thực hiện khi thấy cần thiết.

Cũng theo ông Phúc, một số ĐBQH đề xuất tăng thời gian chất vấn và trả lời chất vấn từ 2,5 ngày lên 3 ngày và bố trí nội dung này trước khi lấy phiếu tín nhiệm để đại biểu có thêm thông tin.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai góp ý, việc thảo luận riêng ở các đoàn trước khi tiến hành bỏ phiếu là rất cần thiết, do đó đề nghị phải ấn định vào lịch "cứng" của chương trình nghị sự. Nhiều ủy viên khác cũng tán thành ý kiến này.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, đây thực sự là bước đổi mới trong xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện quyền giám sát của QH với tư cách người thay mặt nhân dân.

"Quan trọng nhất là ở người bỏ phiếu tín nhiệm, là đại biểu. Làm sao để người đại biểu phải công tâm, khách quan, không bị tác động, phải độc lập chính kiến và đánh giá tín nhiệm một cách chính xác, chắt lọc thông tin qua ý kiến nhân dân để làm sao việc lấy phiếu đạt kết quả", ông Hùng nói.

Nghe báo cáo về bôxit Tây Nguyên

Khai mạc vào ngày 20/5, kỳ họp thứ 5 QH khóa 13 kéo dài đến 21/6. Dự kiến, QH sẽ thông qua 10 dự án luật: luật Đất đai sửa đổi, luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Thuế thu nhập doanh nghiệp... Một số dự án luật sẽ được thảo luận như luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); luật Việc làm.

Ngoài các nội dung khác về kinh tế xã hội như thông lệ, các bộ ngành cũng sẽ gửi báo cáo riêng cho QH về một số nội dung: Tình hình thực hiện dự án khai thác bôxít tại Tây Nguyên; công tác quản lý nhà nước đối với thị trường vàng, việc Ngân hàng Nhà nước tổ chức bán vàng miếng thông qua đấu giá trong thời gian vừa qua...

QH cũng sẽ bố trí truyền hình trực tiếp thảo luận tại Hội trường về Hiến pháp, bên cạnh các phiên họp khác vẫn được truyền hình trực tiếp theo thông lệ (khai mạc, bế mạc, chất vấn).

Lê Nhung