- Cục trưởng Cục Báo chí Hoàng Hữu Lượng cho hay trong năm nay và năm 2014 vẫn chưa có kế hoạch sửa luật Báo chí, khi phóng viên đặt câu hỏi có ý kiến gần đây kiến nghị sửa điều 7 luật này.
Cục trưởng Hoàng Hữu Lượng phát biểu tại cuộc họp báo về Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí sáng 17/5. Câu hỏi được phóng viên đề cập liên quan khi điều 7 luật Báo chí có quy định về báo chí cung cấp thông tin ngược trở lại cho cơ quan chức năng trong trường hợp cần thiết.
Ông Lượng nhấn mạnh, kiến nghị sửa đổi điều 7 luật Báo chí chỉ là ý kiến của một bộ. Luật Báo chí vẫn đang có hiệu lực. Kế hoạch của cả năm nay và năm sau đều chưa tính đến sửa luật. Điều này đã được QH quyết định trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 và thời gian tới.
Ông cũng cho rằng, điều 7 thiết kế “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng VKSND hoặc Chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng” là đã tính toán kỹ.
Cá nhân được phát ngôn với báo chí
Liên quan Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí (sửa đổi) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, ông Lượng nhấn mạnh một trong những thay đổi chính là quy định ngoài người phát ngôn chính thức, các cá nhân của cơ quan hành chính nhà nước được cung cấp thông tin báo chí theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, quy chế quy định, cá nhân này khi cung cấp không được nhân danh cơ quan hành chính nhà nước để phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, không được tiết lộ bí mật điều tra, bí mật công vụ, thông tin sai sự thật, chịu trách nhiệm về nội dung thông tin cung cấp....
Phóng viên đặt câu hỏi giả định những cá nhân đó không chỉ phát ngôn, mà còn chủ động cung cấp thông tin cho báo chí những văn bản (không mật) của cơ quan, bộ ngành đó thì báo chí sẽ phải xử lý thế nào? Ông Lượng cho hay, trong trường hợp đó, báo chí được quyền sử dụng theo quy chế về nguồn tin và chịu trách nhiệm về nguồn thông tin của mình.
Việc quy định cá nhân được phát ngôn với báo chí để khắc phục tình trạng ở những cơ quan hành chính nhà nước, việc cung cấp thông tin bị đã từng bị các cá nhân né tránh khi họ sợ vướng "việc" của người phát ngôn. Hoặc các cá nhân có quan điểm, nhu cầu trao đổi, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí nhưng không có cơ sở quy định trong các văn bản pháp luật.
Phóng viên phỏng vấn Bộ trưởng Ngoại giao bên hành lang QH. Ảnh: Lê Anh Dũng |
"Lâu nay thực hiện cơ chế phát ngôn (cũ), nhiều người nghĩ có người phát ngôn rồi thì mình không được phát ngôn. Giờ thì quy chế mới làm rõ luôn vai trò cá nhân trong phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của pháp luật" - ông Lượng cho hay.
Chậm nhất một ngày phải phát ngôn
Trước đây, trong trường hợp vụ việc cần có ngay thông tin ban đầu của cơ quan hành chính nhà nước thì người phát ngôn hoặc người được ủy quyền phát ngôn có trách nhiệm chủ động phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian chậm nhất là 2 ngày. Nay, quy chế mới sửa đổi rút xuống còn chậm nhất 1 ngày.
3 người có thể phát ngôn: người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, người được người đứng đầu giao nhiệm vụ phát ngôn, người được người đứng đầu ủy quyền phát ngôn. Người đứng đầu, dù ủy quyền, cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin của cơ quan cung cấp cho báo chí.Danh tính, địa chỉ email, số điện thoại của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản gửi đến cơ quan báo chí và đăng tải trên cổng thông tin điện tử hoặc trang tin điện tử của cơ quan đó.
Khác với quy chế cũ, quy chế mới nay cũng đã quy định khung về việc xử lý vi phạm. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ như quy định sẽ bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Linh Thư