Sáng 28/5, các ĐBQH thảo luận ở tổ về luật Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) sửa đổi. Rất nhiều ĐB bày tỏ lo ngại về việc khả năng PCCC của ta có “vấn đề”, luật chỉnh sửa sơ sài nên đọc xong thấy… bế tắc.
Cháy xong rồi cứu hỏa mới tới
ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi (Hà Nội) cho biết các vụ cháy diễn ra ngày càng phức tạp để lại hậu quả nặng nề. Cử tri hoang mang, lo lắng vì sống ở chung cư cao tầng song thang cứu hộ chỉ có thể vươn tới tầng 17.
Chia sẻ với lo lắng này, ĐB Trịnh Thế Khiết đặt câu hỏi: Các khu chung cư mới toàn 30-40 tầng, vậy dân cư mấy chục tầng cao sẽ làm thế nào?
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trấn an: “Hà Nội hiện đã có xe cứu hỏa đặc chủng, vươn cao đến tầng 39. Tất nhiên cũng mới chỉ có 1-2 xe thôi, còn lại là đại trà, có thể xử lý từ tầng 17 trở xuống”.
Về thiết kế, nhà cao tầng bắt buộc phải có thiết kế PCCC ngay từ khâu thiết kế, đảm bảo khi xảy ra cháy phải tự ứng cứu được bằng khí, bọt, nước…
Theo ông Nghị, Hà Nội đã có phương án và đặt mua trực thăng để chữa cháy trong trường hợp cần thiết, hiện phương tiện chưa về.
“Như vậy, nếu cháy ở tầng cao thì không phải vô phương cứu chữa nhưng phương tiện thì đúng là chưa nhiều” - ông phát biểu.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) nói trong lúc chưa có trực thăng, không có máy bay để chữa cháy thì cần chọn phương án khác.
“Khi cháy chúng ta chỉ biết đứng ngó. Nếu không có trực thăng thì phải có phương án phối hợp với quân đội chứ lúc đó mới đi xin phép thì xe cứu hỏa tới nơi đã cháy xong hết rồi”.
Phòng cháy mà bế tắc
Chưa yên tâm trước trấn an của Bí thư Hà Nội, ĐB Ý Nhi thấy các phương tiện “có vẻ” rất hiện đại nhưng triển khai lại bế tắc.
“Với khu vực đường thông hè thoáng phương tiện còn vào được, nhưng với khu vực đường nhỏ, chật chội, xe cứu hỏa không vào được thì sao?”, bà Nhi đặt câu hỏi.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh: Luật PCCC đọc lên thấy rất bế tắc. Ảnh: LAD |
Theo bà Nhi, với những khu dân cư lâu đời với đặc thù đường sá, sinh hoạt, nhà cửa riêng thì nên có tiêu chuẩn riêng về phương tiện và cách PCCC, còn với khu đô thị mới thì nên có tiêu chuẩn riêng.
ĐB Trần Thị Quốc Khánh cùng đoàn nêu, luật sửa đổi đọc lên thấy rất … bế tắc: “PCCC rất nguy hiểm, ngày càng đáng lo ngại cho chúng ta ở nhiều nơi. Luật ban hành từ 2001, nhiều cái đã lỗi thời nhưng sửa quá sơ sài không thể có tác dụng được”.
Mức độ sơ sài, theo ĐB, thể hiện ở việc luật chưa đưa vào những đối tượng có nguy cơ cháy nổ cao như ký túc xá sinh viên (có nơi có đến 5.000-6.000 SV sinh sống), khu công nghiệp, khu chế xuất.
ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) đề xuất bổ sung quy định phòng chữa cháy với tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, rạp hát, khách sạn quy mô lớn sắp tới sẽ được xây dựng.
Ngoài ra, các ĐB cũng cho rằng cần tuyên truyền cụ thể đến người dân về luật PCCC vì họ mới chính là đối tượng cơ bản để đảm bảo an toàn cháy, nổ từ khâu đun nấu, sử dụng điện. Bà Phạm Khánh Phong Lan còn đề xuất giáo dục kỹ năng cho người dân vì nhiều người không chết vì cháy nhưng chết vì chấn thương.
ĐB Lê Đông Phong, Phó GĐ Công an thành phố HCM kiến nghị cần có đội ngũ chuyên ngành trong công tác PCCC đối với nhà máy điện hạt nhân.
ĐB Huỳnh Thành Đạt cũng tán thành, với nhà máy điện hạt nhân phải có lực lượng đặc biệt, chuẩn bị về mặt tâm lý để xử lý sớm nếu có sự cố.
C.Quyên - X.Linh - L.Nhung