- 6 tháng đầu năm, dù lạm phát được kiềm chế ổn định song các chuyên gia thống kê kinh tế cảnh báo cần thận trọng do độ ổn định này không vững chắc, dễ bị phá vỡ, lạm phát cao vẫn rất dễ quay trở lại.

Sáng 27/6, Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm.

Một trong những điểm sáng được nhấn mạnh, đó là lạm phát đã được kiểm chế ổn định. GDP 6 tháng đầu năm ước tính tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 tăng 2,4% so với tháng 12 năm ngoái, tăng 6,69% so với cùng kỳ. Tính bình quân 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,73% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Phải đột phá

Liên quan chỉ số GDP, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia Hà Quang Tuyến nhận định, với mức tăng trưởng của nửa năm như vậy, để đạt mục tiêu cả năm như Quốc hội thông qua là 5,5% thì trong 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt gần 6%.

{keywords}
Ảnh: VOV


Theo ông Tuyến, mục tiêu này thực tế các năm gần đây cho thấy chủ yếu là đạt được hoặc hơn.

Đánh giá bối cảnh hiện nay, ông Tuyến chỉ ra những điểm nhạy cảm: nền kinh tế còn nhiều khó khăn với tổng cầu giảm sút, sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn như phá sản lớn, sản xuất chưa mở rộng, tồn kho cao, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng còn thấp.

Nên để đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,5% cho cả năm 2013, Chính phủ cần các giải pháp đột phá. Ông dự báo, 6 tháng cuối năm nay GDP sẽ đạt khoảng 5,1 - 5,2%.

Các chuyên gia thống kê quốc gia cũng tỏ ra đánh giá thận trọng trước quan điểm cho rằng, khi lạm phát đã ở giai đoạn cơ bản kiểm soát được, đã đến lúc chuyển sang kích thích tăng trưởng.

Theo ông Tuyến, trong giai đoạn hiện nay, việc điều hành cần thận trọng, quan tâm đồng thời cả kiềm chế lạm phát và mức độ tăng trưởng, dù có tăng trưởng mới giải quyết được đời sống, việc làm...

Ông Tuyến cho rằng, về lý thuyết sự thay đổi về giá cả có tác động lớn đối với tăng trưởng kinh tế, nhưng nếu giá cả tăng trong chừng mực sẽ tác động tốt, còn nếu tăng quá mức sẽ có tác động xấu. Vì vậy, tuy kích thích tăng trưởng là cần thiết nhưng vẫn cần phải hết sức thận trọng trong tăng trưởng cung tiền và tổng cầu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Thắng, Vụ trưởng Vụ giá cho rằng, có thực tế ở Việt Nam là "lạm phát trong quá khứ nhớ lâu, lạm phát tương lai thì lo lắng". Ông mô tả lạm phát hiện nay trong một tình thế "nhạy cảm" và có tình tạm thời.

"Lạm phát dù ổn định nhưng không vững chắc, bền vững, dễ bị phá vỡ và lạm phát cao vẫn có thể quay trở lại" - ông Thắng chỉ rõ, đồng thời cho rằng, Chính phủ nên tập trung vào lạm phát không chỉ khi cao, mà cả khi thấp để tránh lạm phát cao quay trở lại, tránh rủi ro cho các năm tiếp theo.

Đánh giá chỉ tiêu lạm phát của năm nay, ông cho rằng, dù dư địa còn khá lớn nhưng vẫn còn một số yếu tố rủi ro như giá điện có khả năng tăng sẽ tác động 0,25% tới lạm phát, tăng giá y tế, học phí của TP.HCM (cao lên gấp 5-6 lần) cũng có thể ảnh hưởng, làm tăng con số chung khoảng 0,7%.

Trong khi đó, các yếu tố tiền tệ cũng chưa đáng lo ngại do tiền vẫn chủ yếu nằm trong hệ thống ngân hàng, khả năng tăng trưởng tín dụng vượt chỉ tiêu 12% là khó.

Linh Thư