Trước cáo buộc của Trung Quốc rằng, Manila đang tìm cách quốc tế hoá các tranh chấp lãnh thổ, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã kêu gọi sự tham gia mạnh mẽ, rộng lớn hơn giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Mỹ trong việc đảm bảo an ninh hàng hải khu vực.
Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario và người đồng cấp Mỹ John Kerry. Ảnh: wordpress |
Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN hôm qua, ông Del Rosario nhấn mạnh sự cần thiết của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như việc ASEAN và Trung Quốc cần nỗ lực làm việc hướng tới bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc (COC) để quản lý những vùng biển tranh chấp.
“May mắn là chúng ta có một cơ chế phù hợp để đối thoại và tương tác trên những vấn đề này - đó là Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng - bắt đầu tại Manila vào tháng 10/2012”, ông Del Rosario phát biểu.
Bình luận được Ngoại trưởng Philiipines đưa ra sau đe doạ “phản công” từ Trung Quốc cũng như chỉ trích của Bắc Kinh về lập trường của Manila trong tranh chấp hàng hải khu vực, đặc biệt là mong muốn “lôi kéo” các đối tác đối thoại, trong đó có Mỹ để thảo luận những biện pháp giải quyết tranh chấp. Trung Quốc cũng ngang nhiên cáo buộc Philippines “chiếm giữ trái phép” những khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines nhưng lại nằm trong ranh giới đường lưỡi bò phi lý mà Bắc Kinh đưa ra. Bản đồ đường lưỡi bò thể hiện yêu sách bao trùm hầu hết Biển Đông.
Ngoại trưởng Del Rosario khẳng định: “Việc thực thi đầy đủ và hiệu quả DOC là cần thiết để ngăn chặn tranh chấp leo thang thành xung đột” trong khi COC vẫn sẽ được ký kết.
Ngoại trưởng Philippines cho biết, cần thiết phải đưa 2 yếu tố bổ sung vào cách tiếp cận dựa trên luật pháp trong việc quản lý và giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Thứ nhất, COC phải là một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc pháp lý. Thứ hai, quy định bên thứ ba - trọng tài trong tranh chấp hàng hải theo UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982).
Ông Del Rosario giải thích tại Diễn đàn khu vực rằng, quyết định kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế là “nỗ lực cởi mở và thân thiện để tìm ra một giải pháp bền vững” giải quyết căng thẳng trong khu vực. Ông cũng chỉ trích việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện.
Phát biểu trước các quan chức ASEAN và những nước đối tác, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ hy vọng rằng, COC cuối cùng sẽ được đàm phán và thực thi để “góp phần đảm bảo sự ổn định trong khu vực quan trọng này”. Mỹ đang dõi theo sát sao tình hình Biển Đông giữa lúc thực thi chiến lược trục xoay về châu Á - Thái Bình Dương.
Hôm qua, tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei đã diễn ra hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 20 (ARF-20) và hội nghị cấp cao Bộ trưởng Ngoại giao Đông Á lần thứ 3 (EAS-3). Cả hai hội nghị này đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh biển.
Thái An (theo Inquirer, Philstar)