Khi trữ lượng dầu khí ở Biển Đông bị thổi phòng, đánh bắt cá trở thành vấn đề an ninh quốc gia và chính trị nhạy cảm.

Tiềm năng dầu khí ở Biển Đông đã trở thành một trong những lý do gây căng thẳng giữa các quốc gia duyên hải trong khu vực và cả một số “tay chơi” bên ngoài. Tuy nhiên, có thể trữ lượng dầu khí ở vùng biển này đã bị thổi phồng. Thay vào đó, chính nguồn lợi thuỷ sản trong vùng biển có tiềm năng châm ngòi cuộc xung đột khu vực.

Cá chứ không phải dầu

Dự đoán Biển Đông sẽ trở thành “Vịnh Ba Tư thứ hai” là thiếu căn bản. Theo Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), nguồn năng lượng ngoài khơi của khu vực này - chỉ vào hơn 11 tỉ thùng dầu và 190 nghìn tỉ mét khối khí tự nhiên – tương đương với nguồn cung châu Âu. Phần lớn nguồn lợi dầu khí ở Biển Đông được cho nằm ở các khu vực không tranh chấp, khá gần bờ biển của các quốc gia duyên hải.

Trong khi giá trị nguồn lợi dầu khí ở Biển Đông vẫn đang là chủ đề tranh cãi, thì giá trị nguồn lợi cá và thuỷ sản không hề phải nghi ngờ. Gần đây, Biển Đông chiếm khoảng 1/10 lượng đánh bắt ngư nghiệp thế giới, đóng vai trò chủ chốt trong ngành ngư nghiệp trị giá nhiều tỉ USD.

{keywords}

Tàu cá Trung Quốc. Ảnh: ISN

 

Ban đầu, việc đánh bắt cá ở hầu khắp Biển Đông không phải vấn đề thu hút sự quan tâm về mặt địa chính trị. Trong nhiều thập niên, các ngư dân không hay biết gì về những biên giới hàng hải và luật pháp hàng hải quốc tế, còn các quốc gia duyên hải thường làm ngơ trước hành động của ngư dân.

Nhưng nay mọi thứ đã thay đổi. Nguồn thuỷ sản ở các khu vực ven biển đang suy giảm mạnh, việc đánh bắt thương mại xa bờ đang đẩy các ngư trường lấn sâu vào những vùng tranh chấp ở Biển Đông.

Đánh bắt cá giờ đây trở thành vấn đề an ninh quốc gia và chính trị nhạy cảm đối với các nước tuyên bố chủ quyền.

Chính trị hóa cá

Sự bất ổn ngày càng lớn trong tranh chấp hàng hải và lãnh thổ ở Biển Đông đã đặt ngư dân vào một vị thế bấp bênh. Họ không còn là “người chơi vô tội” chỉ lo sinh kế, khi trở thành tác nhân đại diện quốc gia, chính phủ, thực thi các chính sách hàng hải cho đất nước mình.

Quan điểm này không phải vô căn cứ, thậm chí trở thành xu hướng ở một số nước - điển hình là Trung Quốc – khi ngày càng có sự tăng cường phối hợp và hỗ trợ giữa ngư dân cũng như các cơ quan hàng hải.

Ví dụ, tháng 4/2012, ngư dân Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough  bị cho là săn bắt trái phép, đã liên lạc với tàu hải giám để can thiệp. Trung Quốc cũng tăng cường các chuyến tuần tra ở Biển Đông trong suốt thập niên qua - từ 477 lần năm 2005 lên 1.235 lần năm 2009.

Sự phân biệt giữa các lợi ích kinh tế tư nhân và mục tiêu địa chính trị ngày càng bị xoá mờ, các hoạt động kinh tế tư nhân đã bị “nhiễm” mục tiêu chính trị.

Những dự án tương đối “trung lập” kiểu như xây dựng các nơi ẩn trú tạm thời bảo vệ ngư dân tránh bão, giờ trở thành mục tiêu bị hoài nghi và đáng báo động. Kinh nghiệm chỉ ra rằng, các nơi trú ẩn như vậy có thể trở thành căn cứ quân sự hoặc sử dụng hai mục đích.

Trường hợp Trung Quốc xâm chiếm bãi Mischief nằm trong phạm vi 200 hải lý vùng đặc quyền kinh tế Philippines. Mặc dù năm 2005, dự án xây dựng được coi làm nơi trú ẩn cho ngư dân đi biển, nhưng tới năm 1997, nó đã biến thành khu đồn trú quân sự.

Ngư dân tiến vào khu vực tranh chấp giờ đây bị xem là một thách thức với chủ quyền quốc gia duyên hải. Hành động như vậy khiến các nước tuyên bố chủ quyền áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn với đánh bắt trái phép, đồng thời gây khó dễ cho các chính phủ trong việc thả ngư dân nước ngoài vì lo ngại phản ứng từ trong nước.

Việc thực thi luật pháp nội địa để chính thức hoá tuyên bố chủ quyền hàng hải ở Biển Đông cũng là một diễn biến đáng lo ngại…

Kết quả sẽ dẫn tới cuộc cạnh tranh năng lực hải quân và lực lượng phòng vệ bờ biển, làm gia tăng căng thẳng và bất ổn trong khu vực.

Chồng lấn tuyên bố chủ quyền và quyền tiếp cận tài nguyên biển châm ngòi cho cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực mà Trung Quốc đang dẫn đầu với nỗ lực xây dựng lực lượng tuần tra, phòng thủ bờ biển, hiện đại hoá tàu chiến…

Cùng với việc đảm bảo sinh kế, tính chất thay đổi và di cư tự nhiên của các nguồn lợi hàng hải đòi hỏi chiến lược hợp tác chung giữa các quốc gia ven biển, nếu họ thực sự mong muốn các nguồn lợi ấy được quản lý bền vững.

Thoả thuận về mùa đánh bắt, số lượng đánh bắt tối đa, cấm đánh bắt những loài quý hiếm và chống các vụ việc bắt giữ đơn phương là những vấn đề “trung lập” có thể tạo điều kiện thuận lợi cho đàm phán mà không lo ảnh hưởng tới vấn đề địa chính trị.

Thái An (theo Viện Nghiên cứu các vấn đề an ninh Đức)