- 79% người được hỏi ở 10 tỉnh, thành thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đồng ý nên sửa Hiến pháp để áp dụng rộng rãi trên cả nước.

Chính quyền quan tâm dân hơn

Phiên họp chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật ngày 12/8 dành thời gian xem xét báo cáo tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường của Bộ Nội vụ.

Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho hay, khảo sát điều tra ngay tại những địa phương không thực hiện thí điểm cũng có 70% ý kiến đồng tình không tổ chức HĐND huyện, quận, phường.

Dù ở 10 tỉnh, thành thí điểm (TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang), con số ý kiến thăm dò không ở trần tuyệt đối, nhưng theo Bộ trưởng Bình, nhìn chung, không có ý kiến nào muốn bỏ không tiếp tục thực hiện.

{keywords}
Ảnh: VGP


Các ý kiến trong Chính phủ đánh giá tích cực các kết quả thu được từ thực hiện thí điểm. Kết quả điều tra thăm dò dư luận xã hội cho thấy người dân tại những nơi thực hiện thí điểm đánh giá quyền đại diện vẫn được bảo đảm, đa số người được hỏi cho rằng từ khi thực hiện thí điểm đến nay, chính quyền các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến ý chí và nguyện vọng của người dân (chiếm 53%)…

Thí điểm dân bầu chủ tịch xã

Dẫn kinh nghiệm khi công tác ở tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, việc thực hiện thí điểm mô hình trên không làm ảnh hưởng đến kinh tế xã hội. Tuy nhiên, do mô hình đặt ra sự giám sát của HĐND cấp trên nên cần tăng biên chế cho cơ quan chuyên trách cấp trên. Việc thiếu nhân lực cũng là lý do có thể dẫn đến không kiểm soát hết toàn bộ kiến nghị, bức xúc của cử tri, nhân dân.

Ông cho rằng, để thực hiện mô hình trên, cần thiết kế chi tiết hơn sau tổng kết thí điểm, như đặt ra cơ chế kiểm soát hoạt động của cơ quan hành chính, cơ quan kiểm tra, thanh tra, tăng cường kiểm soát chặt chẽ của cấp trên, từ các cơ quan của UBND cấp tỉnh… Ngoài ra là cơ chế giám sát các tổ chức chính trị xã hội, vai trò của cấp ủy đảng, MTTQ, đoàn thể nhân dân, phải có cơ chế cụ thể…

Những hạn chế của mô hình trên cũng đặt ra khả năng cho phương án thực hiện mô hình thí điểm không tổ chức HĐND ở quận, phường (huyện vẫn tổ chức HĐND). Một phương án khác cũng được xem xét là vẫn giữ nguyên như hiện nay.

Để có đánh giá đối chiếu, đề cập phương án giữ như hiện nay, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho rằng, nên xem xét hai điểm: có nên đặt ra vấn đề giữ nguyên cấp nào có chính quyền thì phải có UBND, HĐND, nên xem xét mô hình chính quyền các tỉnh khác với chính quyền các thành phố trực thuộc TƯ như thế nào?

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, xác định mô hình chính quyền địa phương phụ thuộc rất lớn với việc lựa chọn triển khai tổ chức HĐND như thế nào. Các phương án, nhất là phương án không tổ chức HĐND huyện, quận, phường phải có đánh giá tổng kết các mặt từ thực tiễn và lấy ý kiến cấp ủy, HĐND và chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước trước khi Chính phủ biểu quyết lựa chọn để hoàn thiện đề án.

Ngoài ra, từ 2007 đã có nghị quyết TƯ 5 về tiến tới thí điểm việc nhân dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, chủ tịch UBND cấp trên trực tiếp phê chuẩn chủ trương này nên đưa vào lộ trình thí điểm như nghị quyết đã xác định…

Mục tiêu thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, đảm bảo tính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy hành chính nhà nước.

Việc thí điểm được chủ trương phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương; thực hiện thống nhất, đồng bộ giữa đổi mới chính quyền địa phương với các mục tiêu của Chiến lược cải cách hành chính; xây dựng bộ máy chính quyền địa phương tinh gọn, phân định rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền, giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị, giữa tập thể và người đứng đầu cơ quan hành chính.

Linh Thư