- Thị trưởng Watanabe Takashi cho biết khi ông đưa ra sáng kiến này, có người phản đối: thành phố không phải là một doanh nghiệp.

Thị trưởng Watanabe Takashi chia sẻ tại hội thảo kinh nghiệm tổ chức chính quyền địa phương Nhật Bản vừa diễn ra tại Hà Nội rằng sự hợp tác, tham gia của người dân là không thể thiếu ở thành phố Higashimurayama.

Theo luật pháp Nhật Bản, sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương bao gồm: lựa chọn người đứng đầu cơ quan hành chính và các ủy viên hội đồng; trực tiếp yêu cầu chính quyền địa phương có những hành động nhất định trong việc ban hành các quy định, cải cách hoặc bãi bỏ thông qua ý kiến của người dân; yêu cầu giải trình biện pháp xử lý cần thiết đối với những hành vi vi phạm hoặc trái pháp luật của chính quyền địa phương.

{keywords}

Thị trưởng Watanabe Takashi

Ở Higashimurayama, một trong 23 quận đặc biệt của thủ đô Tokyo, ông Thị trưởng Watanabe Takashi cố gắng thực hiện điều này bằng nhiều cách.

Những người dân bình thường được tham gia với số lượng nhất định vào các hội thẩm tra. Mỗi khi thành phố muốn ban hành chính sách mới, ông lại tổ chức hội thảo với người dân hoặc tổ chức lấy ý kiến công khai của người dân. Có những "buổi họp của người dân cùng suy nghĩ về tương lai của thành phố".

Mỗi tháng một lần, Thị trưởng có buổi đối thoại với người dân.

Đặc biệt, ông Watanabe Takashi có sáng kiến tổ chức hàng năm cuộc họp toàn thể của những người sở hữu cổ phần thành phố Higashimurayama. Ông gọi đây là "đại hội cổ đông" của thành phố.

Tại đó, người dân sẽ tham gia đánh giá hiệu quả thực hiện những dự án, chương trình, chính sách mà trước đó họ đã tham gia xây dựng bằng cách chấm điểm. Tại hai lần tổ chức năm 2011 và 2012, thành phố nhận được điểm lần lượt là 3,08 và 3,28 trên thang điểm 5.

Thị trưởng Watanabe Takashi cho biết khi ông đưa ra sáng kiến này, có người phản đối: Thành phố không phải là một doanh nghiệp.

{keywords}

Mỗi tháng một lần, Thị trưởng đối thoại với dân

Nhưng ông nghĩ khác: Mỗi người dân, bằng lao động, nộp thuế và tham gia ý kiến đều đóng cổ phần vào thành phố, hưởng lợi nếu thành phố hoạt động hiệu quả và phải được biết thành phố đang hoạt động như thế nào.

Mục đích của "đại hội cổ đông" không gì khác là nâng cao ý thức của người dân về quyền sở hữu của họ đối với thành phố, qua đó xây dựng phiên bản mới của điều hành chính quyền.

Chính vì có sự tham gia của người dân mà Higashimurayama đã xác định được mục tiêu cụ thể: là nơi mọi người biết giúp đỡ lẫn nhau, sống khỏe và năng động; nơi mọi người cùng vui vẻ học tập, nuôi dưỡng trái tim giàu lòng nhân ái; nơi mọi người đều có thể cảm nhận được sự an toàn, an tâm và ấm áp; nơi mọi người đều thấy thoải mái khi sinh sống.

Bản thân ông Watanabe Takashi đã được người dân bầu giữ chức Thị trưởng đến nhiệm kỳ hai, sau khi đắc cử 4 nhiệm kỳ liên tiếp vào Hội đồng thành phố.

Tiếp: Hỏi chuyện Thị trưởng Watanabe Takashi và các GS của Nhật Bản về kinh nghiệm tổ chức chính quyền địa phương mà Việt Nam có thể tham khảo.

Chung Hoàng