- “Điểm nóng” Trung Đông phức tạp kéo dài xuất phát từ vị thế địa chiến lược và lợi ích của “hai phe”: Mỹ - phương Tây và Nga -Trung Quốc.

7/16 quốc gia và vùng lãnh thổ của Trung Đông luôn trong trạng thái bất ổn, căng thẳng và tình trạng bạo lực đẫm máu, khiến khu vực này trở thành điểm nóng. Phân tích nhìn từ vai trò các nước lớn đối với khu vực được coi là rốn dầu của thế giới này:

Mỹ và phương Tây

Trải qua 10 đời tổng thống, kể từ năm 1951 đến nay, Mỹ đều có học thuyết về Trung Đông. Cuộc chiến giữa Israel và các nước Ảrập năm 1967 đã tạo ra bước ngoặt lớn trong việc xác định đồng minh chiến lược tại Trung Đông của Mỹ, đưa Israel từ vị thế mờ nhạt trở thành quan hệ đồng minh số một của Washington ở khu vực.

{keywords} 

Những gì đã và đang xảy ra tại Trung Đông thực chất là kết quả của chính sách “Đại Trung Đông”, do Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra sau vụ khủng bố 11/9/2001. Ranpho Pito, một đại tá Mỹ về hưu viết cuốn sách có tựa đề “Đừng bao giờ ngừng chiến” và “Các biên giới đẫm máu. Trung Đông có thể tốt hơn”.

Cuộc chiến bắt đầu ở Iraq, đến Lybia, Syria và tiếp theo có thể là Ai Cập, Iran... Đặc điểm chung đều là các quốc gia trẻ, ra đời sau thế chiến 2. Mỹ cho rằng chia nhỏ các nước này thành các khu vực của bộ lạc - trả lại thời nguyên thủy của nó sẽ dễ quản lý hơn vì sẽ không có đòi hỏi dân tộc, đàm phán với bộ lạc cũng dễ dàng hơn, chỉ cần mua chuộc thủ lĩnh bằng tiền là có thể có được mọi thứ.

Mỹ tính sau khi chia nhỏ Trung Đông sẽ để Israel cai quản với vai trò một “nước Mỹ thu nhỏ”. Từ 2006, tại Roma, Mỹ đã cho treo tấm bản đồ “Đại Trung Đông” mới do Pito vẽ ra để dọn đường cho dư luận.

Trong bối cảnh Mỹ gặp khó khăn về kinh tế, cùng với sự biến động chính trị, xã hội tại Trung Đông với “Mùa xuân Ảrập” khiến cho khu vực này thêm bất ổn với nhiều mâu thuẫn nội tại ngày càng gia tăng.

Mỹ chủ trương vẫn giữ vị thế lãnh đạo thế giới, nhưng được tối ưu hóa, can dự có chọn lọc, giảm thiểu sự hiện diện và coi trọng hơn các hoạt động phối hợp với các đối tác và đồng minh khu vực, phát huy vai trò của NATO.

Mỹ mong kết thúc “có trách nhiệm” đối với cuộc chiến tranh tại Iraq, Afghanistan, nỗ lực giải quyết vấn đề hạt nhân Iran, đấu tranh chống khủng bố và giải quyết vấn đề Syria nằm trong tổng thể kế hoạch “Đại Trung Đông” và loại trừ sự cản trở của Nga và Trung Quốc.

Với “tiêu điểm” Syria và cả Iran hiện nay, nếu Syria bị thay đổi chế độ sẽ gây tổn thất lớn cho Iran, Herzbola và làm giảm ảnh hưởng của Iran trong cuộc đối đầu với Israel.

Nếu Iran mất đi đồng minh duy nhất trong thế giới Ả rập, sẽ đứng trước nguy cơ bị cô lập hoàn toàn. Quan trọng hơn, trong cuộc chiến giành quyền bá chủ khu vực Trung Đông với Thổ Nhĩ Kỳ và Ảrập Saudi, nếu không có Syria, Iran sẽ thất bại về chiến lược…

Nga và Trung Quốc

Một trong những lý do khiến Nga và Trung Quốc kiên quyết bác bỏ các nghị quyết của LHQ do Mỹ soạn thảo là mối quan ngại một ngày nào đó văn bản này sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích của họ. Hai nước vốn có quan hệ về lợi ích tại khu vực, đặc biệt là Nga có nhiều lợi ích về quân sự và kinh tế tại đây.

Syria vốn là một trong những đồng minh quan trọng và hiếm hoi của Nga ở Trung Đông. Nếu để mất “sân sau” này, Moscow sẽ mất rất nhiều lợi ích, sẽ không còn giữ được ảnh hưởng và vị thế ở Trung Đông và sẽ mất hợp đồng vũ khí béo bở. Mặt khác, Syria còn là nơi Nga có một căn cứ hải quân quan trọng tại bờ biển Địa Trung Hải có từ thời Xô Viết.

Trong những năm qua, Nga và Trung Quốc đã tỏ ra rất kiên định trong lập trường ủng hộ Tổng thống Syria Assad và chống lại mọi nỗ lực của các cường quốc phương Tây nhằm lật đổ ông này.

Nga - Trung luôn khẳng định, công việc nội bộ của một nước phải do chính người dân nước đó tự quyết định. Các nước bên ngoài không được quyền can thiệp vào và định đoạt thay họ. Lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở Trung Đông cũng không nhỏ, hiện là nhà xuất khẩu lớn thứ ba vào Syria.

Trong 20% lượng dầu mỏ toàn cầu phải đi qua eo biển Hormuz, có 30% vận chuyển tới Trung Quốc. Theo Engdahl, mức độ phụ thuộc vào dầu mỏ hiện nay của Trung Quốc đã lên tới 55%, đến năm 2020 sẽ tăng lên tới 70%, trong khi đó nguồn dầu mỏ của nước này chủ yếu là từ Trung Đông.

Bà He, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Phi thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc đánh giá Trung Quốc “không muốn nhìn thấy thất bại lặp lại như đối với Lybia”.

“Trung Quốc yêu cầu cộng đồng quốc tế phải đưa ra nhiều không gian, thời gian đối thoại cùng Syria hơn”. Các nước dù hành động như thế nào cũng đều xuất phát từ lợi ích của chính nước họ. Nga và Trung Quốc cũng không phải là ngoại lệ.

“Điểm nóng” Trung Đông phức tạp kéo dài xuất phát từ vị thế địa chiến lược và lợi ích của “hai phe” (Mỹ-phương Tây - Nga-Trung Quốc). Cuộc chiến ở Trung Đông thực chất là cuộc chiến chống Nga và Trung Quốc.

“Chúng tôi tin việc Nga thắng tại Syria có nghĩa là Nga thắng Mỹ tại đây” - Abdul Aziz Saqr, người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu vùng Vịnh cho hay.

Có lẽ vì thế, các chuyên gia luôn nhìn nhận, hồi kết nếu có ở khu vực này, cũng chỉ là cuộc “ngừng bắn” tạm thời.

Nguyễn Nhâm