- Nhiều thư của độc giả gửi về VietNamNet phản hồi bài ‘Trụ sở tỉnh như cung điện’, trong đó có phản ánh của Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước về việc ở nhiều tỉnh, các tòa nhà trụ sở rộng mênh mông, lộng lẫy như cung điện.
Tòa nhà này được xây dựng từ năm 1937, hiện vẫn là nơi làm việc của chính quyền Guagua, Philippines |
Độc giả Tran Thanh đặt câu hỏi: “Những điều mà Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu rất đúng. Nhưng quan trọng hơn, các cơ quan chức năng cần chỉ đích danh những địa phương nào và xử lý như thế nào. Không khéo nói ra rồi lại để đấy. Nói phải đi đôi với làm thì dân mới tin”.
“Ông Ksor Phước không nhắc tên tỉnh nào. Phát biểu chung chung thế này còn lâu mới bỏ được tham nhũng, lãng phí” - bạn đọc Hoàng Thanh nêu.
Bạn đọc Hoàng Liên biên thư cũng đề cập “nên nêu đích danh trụ sở to như cung điện, hoặc đề nghị các nhà báo tìm kiếm đưa lên cho dân chúng biết. Xem trên ti vi thấy không ít phòng khách của cấp tỉnh và cấp bộ sang hơn phòng khách của một số nguyên thủ quốc gia lớn”.
Theo bạn đọc Sanu, “có chỉ đích danh từng vụ việc một, địa chỉ hẳn hoi mới là đại biểu dám nghĩ dám làm”.
Dân quen nghe rồi
Bạn đọc đề tên Hoalan phản ánh “đến các bác đại biểu Quốc hội, các bác "Trung ương" khi phát biểu cũng chỉ thấy nêu "có hiện tượng", "có nhiều trường hợp"... chứ chẳng bao giờ thấy chỉ đích danh địa phương nào, tỉnh nào. Như thế ai cũng nói được. Sau mỗi lời phát biểu, nhận định của các bác mà có thanh tra, kiểm tra để xác định cụ thể rồi thông báo cho dân biết mới nên phát biểu. Không thì thôi, dân nghe kiểu đó quen rồi”.
Để thấy rõ sự khác biệt, bạn đọc Nguyen Loc đề xuất “chỉ cần yêu cầu mỗi cơ quan cùng ngành cùng cấp nào đó ở các tỉnh cung cấp 1 tấm hình mặt tiền sẽ thấy rõ sự khác biệt!”.
Trong khi đó, độc giả Domino lại có quan điểm trái ngược khi cho rằng, “bộ mặt của một tỉnh to đẹp một chút cũng không sao, miễn là phải tính đến yếu tố lâu dài”.
Từ trụ sở tỉnh đến chủ đề tiết kiệm, chống lãng phí, độc giả Ngô Trí dẫn bản tin chương trình thời sự trên VTV1 về chuyện Nhật Hoàng nói chuyện với công chúng Nhật sau vụ động đất, sóng thần. Bản tin quay hình cho thấy, ông ngồi trên chiếc ghế hết sức bình thường, không có chạm trổ. Còn chiếc bàn trước mặt đặt micro giống như cái bàn trong các quán cafe bình dân”.
Càng to, phần trăm càng lớn?
Một độc giả tên Nga đặt vấn đề: “Trong bóng đá trọng tài thổi còi ắt có chuyện thưởng phạt, ra đường công an thổi còi chắc có người bị phạt, nhưng các cấp quản lý thổi còi chỉ cho nhau nghe, cho dân nghe thôi chứ chưa bao giờ phạt ai, rất nhiều văn bản pháp luật vi phạm nhưng đã phạt được ai chưa, mua xe công vượt quá quy định đã phạt được ai chưa?”
“Chúng ta đang đầu tư dàn trải, không hiệu quả và quá lãng phí, trong khi đó quốc gia đang đi vay các tổ chức quốc tế với nguồn vốn rất rất lớn. Ai cũng muốn mình có trụ sở lớn, đẹp, bề thế nhưng không biết đồng vốn đó chúng ta có sẵn nội lực hay đi vay nợ. Cứ xin công trình, cứ chỉ đạo đầu tư, nợ con cháu sau này chịu” - độc giả Hà Tiến Minh nêu suy nghĩ.
Bạn đọc tên Bình thì nhận xét “lãng phí đáng sợ hơn nhiều so với tham nhũng. Chẳng lẽ cán bộ nhà nước không nghĩ đến tiền bạc là công sức của nhân dân?
Bạn đọc Phạm Thông bức xúc “Tiền ở đâu để làm? Tiền từ thuế, tiền của dân đấy!”.
Còn bạn đọc Linhgiang nhận xét “ trụ sở cơ quan nào cũng xây dựng lãng phí cả. Càng xây to thì phần trăm của sếp càng lớn. Ai dại gì không xây?”
Hồng Nhì