- Bất ngờ đến mức "sững sờ" trước con số, dù mới là thống kê sơ bộ, chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, độc giả khẩn thiết giục Bộ trưởng Nội vụ đừng nghe báo cáo nữa mà hãy vi hành.

{keywords}
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Ảnh: Tiền phong

Kết quả báo cáo sơ bộ từ các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương nêu trong bài ‘Bộ trưởng Nội vụ: Chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ’ khiến nhiều độc giả giật mình.

Nên khóc hay nên cười?

Độc giả Namle miêu tả con số do Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nói trước Thường vụ QH như “chuyện lạ có thật”. Bạn đọc đề tên Toàn cho rằng, “nếu chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ thì giờ đây kinh tế Việt Nam đã phát triển không biết tới đâu rồi?!! Có khi Việt Nam mình đã được xếp vào danh sách các nước phát triển”.

Theo độc giả Thịnh, nếu 1% cán bộ công chức không hoàn thành nhiệm vụ, còn 99% hoàn thành nhiệm vụ như vậy “tất cả đều quan liêu”.

“Đây là những báo cáo sai sự thật, tô hồng đã thành nếp quen thuộc. Không ai tin thống kê này” - anh Tuấn Đặng biên thư quả quyết.

Độc giả Nam khẳng định “con số thống kê chỉ mang tính thành tích trong khi thực tế hoàn toàn khác”.

Một độc giả khác tỏ vẻ buồn bã: “1%, không biết nên khóc hay nên cười?”

Anh Pham Thanh Tung gửi lời nhắn Bộ trưởng qua thư độc giả rằng: “Bộ trưởng nói vậy thì Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói 30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp ô về là sai sao?”.

Chị Nguyen Hong Van cũng đồng quan điểm: “Thật quá bất ngờ khi đánh giá của Bộ trưởng chỉ có 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ. Sao có vẻ quá đơn giản như vậy khi ngay chính Phó Thủ tướng cũng như không ít người khác đã cảnh báo có đến 30% sáng đến trưa về, không có việc. Có lẽ họ cũng hoàn thành nhiệm vụ vì không có việc để làm. Nếu đánh giá như vậy, có lẽ bộ máy hành chính đã quá tuyệt. Theo tôi nên xem xét lại ngay chính cách đánh giá”.

Độc giả tên Nghị có chút hài hước: “Nhiều thế cơ à, đến 1% lận. Cao quá. Thế mà hôm trước nghe bác Phó Thủ tướng nói tới 30% cắp ô đấy, không biết bác ấy lấy số ấy ở đâu ra, hay là từ lúc ấy 30% số công chức đã ăn năn hối lỗi làm tốt trở lại rồi đây?”.

Độc giả Khắc Cường nghi ngại “địa phương báo cáo quá xa rời thực tế, né tránh sự thật. Đề nghị Nhà nước có một cuộc điều tra thật khách quan, chính xác, có tiêu chuẩn cụ thể và công báo cho dân biết”.

Đừng vội nghe báo cáo

Trước những kết quả nêu, bạn đọc Tran Trong bày tỏ “không còn nhận ra được cái nào đúng, cái nào sai nữa”.

Còn bạn đọc Hoàng Kim đưa ra ý kiến “làm quản lí mà cứ ngồi trong phòng lạnh rồi nghe báo cáo từ cơ sở thì các số liệu đều là "rởm" nên phải vi hành thôi”.

Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Trần Dân ví báo cáo này giống như báo cáo ở Đồ Sơn không có gái mại dâm.

"Bộ trưởng Nội vụ đừng có vội nghe báo cáo mà nói ra như vậy. Ông hãy vi hành rồi sẽ thấy. Hãy làm người dân tới các cơ quan công quyền, nơi mà người làm việc được gọi là "công chức" xem họ đi làm có đúng giờ không, có về sớm hay không, công việc ra sao, tiếp dân như thế nào".

Bạn đọc Ngọc Diệp đề nghị “cần xác định những công chức, viên chức cà kê để loại ra khỏi các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp nhà nước, tinh giản biên chế để cải cách lương, ưu đãi, trọng dụng người có cống hiến thật sự”.

Hồng Nhì