Washington nỗ lực tìm mọi cách ngăn chặn rò rỉ các bí mật của Mỹ kiểu như vụ Wikileaks, trong khi các quan chức cân nhắc khả năng truy tố Julian Assange - người sáng lập ra trang web này, còn Interpol ở châu Âu gửi “lệnh khẩn” tới các quốc gia để tìm kiếm Assange.
Wikileaks: Hillary Clinton tò mò về nữ Tổng thống Argentina
Tiết lộ Wikileaks: “Trung Quốc sẵn sàng bỏ rơi Triều Tiên”
Interpol đã đưa Julian Assange vào danh sách truy nã sau khi Thụy Điển phát lệnh bắt giữ Assange để điều tra về một vụ hiếp dâm, gồm nhiều cáo buộc mà ông này phủ nhận.
Tại Washington, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cắt các tập tin máy tính ra khỏi mạng lưới mật của chính phủ. Trong một biện pháp tạm thời, Mỹ đã giảm đáng kể số nhân viên chính phủ có thể tiếp cận và đọc những điện tín ngoại giao quan trọng.
Julian Assange - người sáng lập Wikileaks. Ảnh: Telegraph
Wikileaks đã có trong tay hàng trăm nghìn bản tin, điện tín mật của các đại sứ quán Mỹ ở khắp nơi trên thế giới và công bố nhiều thông tin động trời như Iran được cho là đã nhận các tên lửa hiện đại có khả năng chạm tới Tây Âu, hay Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu các nhà ngoại giao thu thập mẫu AND cũng như các thông tin cá nhân khác về những nhà lãnh đạo nước ngoài.
Trong khi Assange, người sáng lập của Wikileaks, trở thành tâm điểm chú ý của Mỹ cũng như khắp thế giới, thì nhiều luật sư của Washington đang xem xét khả năng truy tố ông với tội danh hoạt động gián điệp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ P.J.Crowley cố gắng trấn an cả thế giới rằng, các nhà ngoại giao Mỹ không phải là gián điệp, cho dù đã né tránh câu hỏi vì sao những nhà ngoại giao này được yêu cầu cung cấp mẫu ADN, số thẻ tín dụng, vân tay, scan tròng mắt và các thông tin cá nhân khác về các nhà lãnh đạo tại Liên hợp quốc cũng như ở thủ đô nhiều nước.
Ví dụ, trong một bức điện tín bí mật tháng 3/2008, các nhà ngoại giao Mỹ ở Thủ đô Asuncion của Paraguay, đã được yêu cầu cung cấp “dữ liệu sinh trắc học, bao gồm dấu vân tay, hình ảnh mặt, mẫu AND..,” của một số chính khách nổi bật. Đồng thời cũng được yêu cầu gửi “thông tin nhận dạng” về các nghi phạm khủng bố bao gồm “dấu vân tay, hình ảnh, scan tròng mắt và ADN”.
Ở Burundi, Rwanda và Cộng hòa Dân chủ Congo, có yêu cầu tương tự với các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự và tình báo. "Dữ liệu nên gồm địa chỉ thư điện tử, số fax và điện thoại, dấu vân tay, hình ảnh mặt, AND, scan tròng mắt”, nội dung bức điện tín mật cho biết.
Theo một quan chức Mỹ, hàng năm, cơ quan tình báo thường đề nghị Bộ Ngoại giao giúp dỡ thu thập thông tin như các dữ liệu tiểu sử và các dữ liệu “nguồn mở” khác. ADN, dấu vân tay và những thông tin cá nhân bao gồm trong yêu cầu bởi vì, ở một số nước, người nước ngoài phải cung cấp thông tin tới Mỹ trước khi vào một đại sứ quán hoặc căn cứ quân sự.
Khả năng các nhà ngoại giao Mỹ cần phải thu thập thông tin nhiều hơn dữ liệu “nguồn mở” đã gây ra sự chỉ trích ở LHQ và giới ngoại giao về rằng, việc thu thập thông tin của Mỹ khó phân định ranh giới giữa ngoại giao và hoạt động gián điệp. "Tôi lo lắng là sự pha trộn giữa nhiệm vụ ngoại giao và gián điệp. Bạn có thể bước qua ranh giới… nếu nhà ngoại giao được khuyến khích thu thập thông tin cá nhân về một số người”, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói.
Crowley nhấn mạnh, số ít bức điện tín bị rò rỉ không thay đổi vai trò của nhà ngoại giao Mỹ. "Họ có thể thu thập thông tin, nêu thông tin ấy hữu ích, chúng tôi sẽ chia sẻ nó trong cả chính phủ”, người phát ngôn ngày nhấn mạnh.
Trong lúc này, các nhà lãnh đạo thế giới đã thể hiện những phản ứng khác nhau về đánh giá của Mỹ về đất nước họ thông qua các bức điện tín bị rò rỉ.
Tại Kenya, chính phủ đã nổi đóa với một bức điện tín do tạp chí Đức Der Spiegel xuất bản, trong đó Kenya được mô tả như một “đầm lầy ngập tràn tham nhũng”. Phát ngôn viên chính phủ Kenya gọi bức điện tín là “hoàn toàn hiểm độc” và yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ xin lỗi.
Một trong những đồng minh của Mỹ là Nhật Bản lo lắng cho đây là "một thảm kịch và tội ác". Pháp thì lên án đây là hành vi tấn công nhằm vào chủ quyền của các quốc gia.
Các nước Nga, Canada và Italia cũng đã chỉ trích hành động này. Trung Quốc cũng đề nghị Mỹ giải quyết các vấn đề liên quan tới những văn thư ngoại giao bị rò rỉ. Ngoại trưởng Đức thì cho rằng, vụ rò rỉ chỉ là “đưa chuyện tầm phào” và khẳng định không hề ảnh hưởng tới quan hệ Đức - Mỹ.
Wikileaks không nói làm thế nào họ có được các tài liệu bí mật trên, nhưng nghi phạm hàng đầu của Mỹ là Bradley Manning, người được cho là đã vượt qua được hệ thống an ninh của Lầu Năm Góc đơn giản là mang một CD nhạc tới nơi làm việc, xóa file hạc và tải các thông tin bí mật của chính phủ vào đó.
Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới gần hầu như đều lên án vụ rò rỉ thông tin, thì Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm Assange. Trong một cuộc phỏng vấn trực tuyến với tạp chí Time ở địa điểm bí mật, Assange đã kêu gọi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton từ chức vì theo thông tin điện tín bí mật, bà đã yêu cầu các nhà ngoại giao thu thập thông tin tình báo. “Bà ấy nên từ chức, để thể hiện trách nhiệm về việc yêu cầu nhà ngoại giao Mỹ dính líu tới hoạt động tình báo ở LHQ, bà đã vi phạm hiệp định quốc tế mà Mỹ tham gia ký kết”, ông nói.
Tại Pháp, Interpol có trụ sở tại Lyon đã phát lệnh truy nã Assange - 39 tuổi - và gửi đi khắp thế giới.
Ở Bộ Ngoại giao Mỹ, Crowley thể hiện sự khinh thường với Assange. "Tôi tin là nên mô tả ông ta như một người vô chính phủ”, Crowley nhấn mạnh. “Hành động của ông ta đã chứng minh điều đó”.
-
-
Thái An (Theo AP, Reuters)