Putin đã cống hiến 16 năm cuộc đời để làm một điệp viên KGB. Điều này cùng với những kỹ năng judo giúp ông có sự tính toán và độ chính xác...

Năm 2000, thảm hoạ tàu ngầm Kursk là sự kiện đầu tiên khiến Vladimir Putin bộc lộ những yếu tố cá nhân quan trọng với thế giới. Kể từ đó, truyền thông phương Tây thường khắc họa chân dung ông là người lạnh lùng, cứng rắn, không khoan nhượng và thách thức với phương Tây.

Rất nhiều chuyên gia phương Tây tuyên bố đã có cái nhìn sâu sắc về tư duy của ông, song lại làm được rất ít. Quá ít người đánh giá Putin thông qua lăng kính giáo dục của ông và lịch sử Nga - một điều rất quan trọng để hiểu rõ vị Tổng thống đầy quyền lực.

{keywords}
Ảnh: scmp

Theo các chuẩn mực phương Tây, Putin xuất phát từ con số 0. Xuất sắc khi học judo mang lại cho ông cơ hội đầu tiên để trở thành điều gì đó hơn là một cậu bé bình thường sống trong cộng đồng. Trong khi học võ thuật, Putin trở nên linh hoạt và có kỷ luật. Ông suy tính ngay trên thảm tập, kiên nhẫn chờ đợi đối thủ sơ hở. Chính điều này khiến tư duy của ông trở nên tập trung hơn, định hướng vào mục tiêu hơn.

Cũng như nhiều người Nga sinh ra, lớn lên trong thời Xô Viết, chính cơ hội đã dẫn dắt Putin, hay nói đúng hơn, đó là thứ bản năng sinh tồn.

Khi còn là một đứa trẻ, Putin biết ông muốn trở thành điệp viên KGB. Sau đó, ông đã cống hiến 16 năm cuộc đời để làm một điệp viên Liên Xô. Điều này cùng với những kỹ năng judo giúp ông có sự tính toán và độ chính xác. Putin gắn liền một điệp viên KGB với tình yêu sâu sắc dành cho đất nước. Nó giải thích vì sao ông thường tự nhận mình là tôi tớ quốc gia.

Như đã viết trong cuốn hồi ký First Person (Người số một), Putin cảm thấy bị bỏ rơi khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989 khi ông làm nhiệm vụ tại Đức. Đó là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời, góp phần định hình thế giới quan của Putin khi ông làm Tổng thống và Thủ tướng.

Ký ức về cú sốc do không nhận được sự hồi đáp nào từ Moscow sau khi bức tường Berlin sụp đổ, cùng với nỗi sợ hãi và tủi hổ tiếp sau đó khi quốc gia từng rất vĩ đại của ông tan rã, đã hun đúc tinh thần và làm động lực cho nỗi khát khao tái thiết một nước Nga mới hơn, tốt hơn.

Putin là người muốn bảo vệ cho một nước Nga hùng mạnh và vì thế, những hành động của ông tại Crưm thực sự không gây ngạc nhiên, nhất là khi phần lớn người Nga xem Crưm là một phần lịch sử đất nước; họ đơn giản là chỉ lấy lại những gì thuộc về mình trước 1954 trong khi vẫn duy trì khả năng phô trương sức mạnh Nga.

Putin vẫn nhất quán với những gì ông được đào tạo. Quá trình tư duy của ông không bị dẫn dắt bởi các nguyên tắc phương Tây mà thay vào đó là chủ nghĩa thực dụng. Putin tính toán cẩn thận chi phí và các lợi ích từ hành động của mình trước khi thực thi.

Dự đoán tiếp theo có lẽ là Putin đủ thông minh để không đi xa hơn trong nỗ lực dùng quân sự để sắp đặt lại trật tự tại sườn phía tây của Nga. Nhìn từ góc độ hiệp ước phòng thủ chung của NATO sẽ khó hình dung rằng, Putin sẽ tiến vào Estonia, Latvia hoặc Lithuania; ông cũng biết việc kiểm soát các tỉnh phía đông Ukraina có thể dẫn tới một phản ứng quân sự từ Ukraina.

Vì lý do này, ông sẽ củng cố những gì có được ở Crưm, hài lòng với nhận thức đã có những gì quan trọng nhất với mình mà không phải đánh đổi quá lớn, và ông đã thực hiện kế hoạch với sự chính xác cùng lòng can đảm.

Thái An (theo scmp)