- Luật Tổ chức chính quyền địa phương được thảo luận chiều 30/9 tại UBTVQH vẫn chưa làm rõ được mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm

Theo tờ trình của Chính phủ, có 2 phương án về mô hình tổ chức chức quyền địa phương.

Phương án 1: HĐND và UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, thị trấn.

Ở quận, phường tổ chức UBND mà không tổ chức HĐND, chức năng đại diện, giám sát, quyết định các vấn đề ở địa phương do HĐND thành phố, thị xã đảm nhiệm.

Phương án 2: HĐND, UBND được tổ chức ở các đơn vị hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương, xã, phường, thị trấn.

Cả 2 phương án đều được xây dựng trên nguyên tắc phân định thẩm quyền giữa các cấp chính quyền địa phương theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương.

UB Pháp luật đồng tình với việc trình 2 phương án như trên song nhấn cần nêu rõ ưu, nhược điểm của từng phương án.

Không thể không có ai giám sát đặc khu

Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh mô hình tổ chức chính quyền địa phương là nội dung quan trọng nhất của dự án luật này nhưng chưa làm rõ được ưu - nhược của từng phương án để QH thảo luận.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhận xét dự án luật đến thời điểm này “vẫn chưa luận ra được nông thôn tổ chức mấy cấp, đô thị tổ chức mấy cấp, tại sao lại làm vậy, làm thế này hơn cái cũ thế nào, nếu không thì QH và Trung ương sẽ vẫn giữ nguyên như cũ”.

Chủ tịch QH đặc biệt nhấn mạnh tới việc tổ chức mô hình chính quyền địa phương ở các đặc khu kinh tế.

“Đặc khu phải có một cấp chính quyền hoàn chỉnh, gồm cả HĐND và UBND. Đặc khu không thể không có HĐND được, không thể không có ai giám sát được. Việc nhập, chia tách hay điều chỉnh, lấy ý kiến nhân dân ở  đặc khu đều phải luật hóa”, Chủ tịch QH nói.

Ngân sách sẽ thế nào?

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách phát biểu: Hiến pháp đã quy định QH được quyết định dự toán thu chi ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách TƯ. Vậy câu chuyện QH và chính quyền địa phương sẽ thế nào? QH đã quyết định ngân sách rồi thì chính quyền địa phương có quyết tiếp nữa hay không?

Ông nêu thực tế: Hiện nay có những vấn đề ngân sách QH quy định rồi nhưng về địa phương lại tiếp tục quyết định các khoản thu chi cao hơn dự toán của QH, rồi lại phân phối cho phù hợp với điều kiện địa phương, vô hình trung là vô hiệu hóa các quyết định của QH. Đây là lý do giải thích tại sao hàng năm dự toán thu chi cao hơn thực tế.

Đáng chú ý là điều 44 quy định UBND căn cứ tình hình thực tế ở địa phương để ban hành chính sách về các khoản thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngoài các nguồn thu do Trung ương ban hành. Ông Hiển cho rằng quy địn thế này quá rộng.

“Nếu thế này thì chính quyền địa phương có quyền đưa ra 1 số khoản thu, mà vừa qua thì tình trạng “phụ thu lạm bổ” rất phức tạp. Ngoài thuế, các loại phí, lệ phí, các khoản đóng góp rất tùy tiện, nếu mở rộng thế này chính quyền địa phương sẽ được thu những gì nữa? Cần quy định rõ ra” - đề nghị của ông Hiển.

Nhấn mạnh dự án luật này đặc biệt quan trọng, nhất là trong thời điểm tháng 9/2015 các cấp đã bắt đầu tổ chức đại hội, Chủ tịch QH nói Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến, trình QH thảo luận trong kỳ họp thứ 8 và chậm nhất thông qua vào kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2015).

Cẩm Quyên